Khắc phục bất cập, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri

Đối nội - Ngày đăng : 20:20, 16/03/2021

(BKTO) - Trả lời kiến nghị của cử tri chưa đúng thời hạn; giải quyết kiến nghị chưa dứt điểm hoặc cử tri không đồng tình với trả lời kiến nghị... là những hạn chế được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra qua giám sát kết quả việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.


Khẩn trương gỡ vướng trong thực hiện cơ chế tự chủ

Báo cáo tại Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cho biết mặc dù UBTVQH đã kiến nghị từ các kỳ họp trước nhưng vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri chưa được trả lời đúng thời hạn. Đến nay, còn 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến Kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời. Ban Dân nguyện kiến nghị các Bộ, ngành, cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Điển hình là từ kỳ họp thứ 7 đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị ban hành Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch... để các địa phương có căn cứ thực hiện.
                
   

Trưởng ban Dân nguyện báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

   

Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã giao các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi, ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực...

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm từ khi Nghị định số 16 có hiệu lực, đến nay các Bộ mới chỉ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, các lĩnh vực còn lại chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn thực hiện. Điều này gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập chung cho tất cả các lĩnh vực. Cơ quan giám sát kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Làm rõ quy định không phù hợp thực tế

Kết quả giám sát cũng chỉ ra, một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình. Cụ thể như việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học.

Tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 08 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn.

Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Bộ đã yêu cầu giáo viên “Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại để phục vụ học tập... các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả các học sinh phải có điện thoại để sử dụng ...”.
                
   

Cơ quan giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục tồn tại, trả lời, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri- Ảnh: ST

   

Qua giám sát cho thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Về vấn đề này, cơ quan giám sát kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học có được coi là chính sách chung không? Nếu là chính sách chung thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên. Đồng thời cần phải đánh giá một cách khách quan và toàn diện sự tác động của việc thực hiện quy định này trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay cũng như khả năng quản lý của nhà trường và giáo viên đối với việc sử dụng điện thoại của học sinh để ban hành quy định phù hợp.

Sắp xếp, sử dụng hiệu quả tài sản công để tránh lãng phí

Một hạn chế nữa trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri là công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm.

Minh chứng cho đánh giá này, Báo cáo giám sát nêu rõ, cử tri tỉnh Tây Ninh, Quảng Trị... phản ánh một số trụ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chưa được bàn giao về địa phương quản lý trong khi những cơ quan này đã được bố trí đất xây dựng trụ sở mới.

Trả lời cử tri, Bộ Tài chính nêu, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý nhà, đất của cơ quan tổ chức, đơn vị, DN trung ương quản lý trên địa bàn địa phương, trong đó có nhà, đất là trụ sở làm việc cũ sau khi đã được xây dựng trụ sở mới theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Như vậy, mặc dù đã hơn 03 năm kể từ ngày Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công có hiệu lực, nhưng việc thực hiện quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công vẫn chưa kịp thời như cử tri đã phản ánh - ông Dương Thanh Bình chỉ rõ.

Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương và các địa phương khẩn trương phối hợp thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công, nhất là tài sản công là nhà, đất nhằm bảo đảm quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công.

Từ kết quả giám sát, Ban Dân nguyện cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế nêu trên; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

N. HỒNG