Hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp: Hiệu quả cao khi chính sách kịp thời

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 18/03/2021

(BKTO) - Chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được Chính phủ chỉ đạo triển khai trong năm 2020. Đến nay, các cơ quan chức năng đã có thời gian để đánh giá tác động của chính sách. Việc thận trọng trong tính toán đối tượng và thời hạn gia hạn là cần thiết để hỗ trợ đúng, tránh tác động bất lợi cho NSNN. Dù vậy, nếu chính sách được ban hành chậm trễ thì điều này có thể làm giảm hiệu quả đối với DN.



Cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế sẽ giúp các DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ảnh tư liệu

Chính phủ đồng ý gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất

Năm 2020, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, để tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ngày 08/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định 41). Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất cho DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính cho biết, có 128.619 DN và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh đã được gia hạn tổng số thuế và tiền thuê đất là 67.234,6 tỷ đồng theo Nghị định 41. Chính sách này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Vì vậy, năm 2021, việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trước yêu cầu trên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 20/3/2021. Trên cơ sở đó, ngày 22/01, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất là những DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19.

Nhanh chóng ban hànhchính sách để kịp thời hỗ trợdoanh nghiệp

Kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch TP. HCM mong muốn các chính sách cần linh hoạt, thiết thực hơn nữa để DN du lịch vượt qua đại dịch Covid-19 như miễn hoặc giảm 50% thuế giá GTGT cho DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HASME) - đánh giá: Các chính sách hỗ trợ về tài chính như gia hạn thuế và tiền thuê đất năm 2020 đã ra đời kịp thời, hỗ trợ DN về nguồn tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn cầm chừng. Hơn nữa, dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó có thể kết thúc sớm, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chiến lược trung và dài hạn của DN. Do đó, Nhà nước cần duy trì những chính sách hỗ trợ thuế, phí dài hạn hơn, góp phần giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để duy trì và khôi phục sản xuất trong năm 2021 và các năm tiếp theo, đồng thời, cần giảm các điều kiện được thụ hưởng để nhiều DN có thể hưởng lợi từ chính sách này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gia hạn thuế như đề xuất của Bộ Tài chính không ảnh hưởng quá lớn đến NSNN và có tác động tương đối tốt đối với DN. Bởi lẽ, thay vì phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất, DN có thể dùng số tiền đó để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Như vậy, DN vừa giảm được áp lực vay ngân hàng để kinh doanh vừa không phải trả tiền chậm nộp.

Mặc dù vậy, nguồn thu ngân sách về chậm hơn so với quy định sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi. Do đó, việc thận trọng trong tính toán đối tượng và thời hạn gia hạn là cần thiết để tránh các tác động bất lợi đối với nền tài chính quốc gia. Thế nhưng, nếu chính sách được ban hành quá chậm trễ thì điều này có thể làm giảm hiệu quả đối với DN.

Theo ThS. Đinh Văn Linh - Học viện Ngân hàng, chính sách kịp thời sẽ mang lại hiệu quả cao. Những chính sách pháp luật dành cho DN ở Việt Nam trong thời gian qua đã giúp DN phần nào giảm bớt khó khăn và phục hồi cùng nền kinh tế. Nếu các chính sách này phát huy tác dụng hơn nữa thì các DN của Việt Nam sẽ càng được hưởng lợi và có sức sống mạnh mẽ dù dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp.

THÙY ANH