Hoàn thiện công tác tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán ngân sách Bộ, ngành

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 18/03/2021

(BKTO) - Hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động kiểm toán ngân sách Bộ, ngành (NSBN) vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi KTNN phải nghiên cứu, đổi mới phương pháp, khắc phục những mặt chưa làm được trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán.



Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán. Ảnh: Minh Thúy

Quy mô kiểm toán được cải thiện nhưng việc tổ chức, quản lý vẫn còn hạn chế

Những năm qua, quy mô kiểm toán NSBN đã tăng dần số lượng theo từng năm, đáp ứng yêu cầu của công tác thẩm tra quyết toán NSNN thường niên. Đến nay, trung bình mỗi năm, số cuộc kiểm toán NSBN là 28 cuộc. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, KTNN cũng chỉ ra nhiều sai sót, bất hợp lý trong việc lập, phân bổ dự toán thu, chi NSNN của các Bộ, ngành và cơ quan T.Ư, cung cấp thông tin và cơ sở thực tiễn cho Quốc hội quyết định và phân bổ NSNN hằng năm trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Kết quả kiểm toán là cơ sở để Quốc hội đưa ra các quyết định đúng đắn và có hiệu quả đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán NSBN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do hạn chế về thời gian và nhân lực nên các đơn vị được lựa chọn kiểm toán chưa bao quát hết đối tượng kiểm toán. Phạm vi kiểm toán chỉ đơn thuần là kinh phí do Bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng và quyết toán, chưa bao quát hết nhiệm vụ quản lý tài chính ngân sách theo lĩnh vực phân công. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa thực sự đồng bộ, thống nhất.

Tại khâu chuẩn bị kiểm toán, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về các Bộ, ngành và đơn vị dự toán trực thuộc của KTNN chưa hoàn thiện, thông tin khảo sát phụ thuộc vào đơn vị được kiểm toán. Công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán chỉ mang tính định hướng. Việc lựa chọn đơn vị, xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu dựa trên số kinh phí đề nghị quyết toán trong năm, chưa dựa trên cơ sở nghiên cứu trọng yếu và rủi ro kiểm toán.

Khi triển khai kiểm toán, các đoàn cũng gặp một số vướng mắc trong công tác phối hợp; việc điều tra, trưng cầu giám định các phát hiện kiểm toán… Đặc biệt, do nhiều nguyên nhân nên công tác kiểm toán tổng hợp vẫn còn hạn chế.

Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán tại các đoàn, tổ kiểm toán mới chủ yếu là kiểm tra hồ sơ tài liệu sau; các cuộc kiểm soát nóng ngay trong quá trình kiểm toán chưa nhiều. Tại các chuyên ngành và khu vực, hầu hết các kiểm toán viên (KTV) có năng lực và kinh nghiệm được bố trí tham gia kiểm toán, dẫn đến nhân sự tham gia khâu kiểm soát chất lượng gặp khó khăn.

Giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán

Để nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý hoạt động kiểm toán NSBN, KTNN cần lưu ý các giải pháp sau:
Một là, ứng dụng linh hoạt các loại hình kiểm toán và gia tăng giới hạn về biên độ được kiểm toán; đẩy mạnh các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động hoặc kiểm toán việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.

Hai là, xác định đúng và trúng mục tiêu, nội dung, trọng yếu, rủi ro kiểm toán và nâng cao chất lượng khâu lập kế hoạch kiểm toán. Trong đó, KTNN cần sớm nghiên cứu hệ thống kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn. Kế hoạch kiểm toán năm cần dựa trên kết quả nghiên cứu tình hình và nhu cầu thực tế về các vấn đề nóng mà các cấp có thẩm quyền và dư luận xã hội quan tâm. Công tác khảo sát, thu thập thông tin cần chú ý tới hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán. Việc lựa chọn các đơn vị được kiểm toán cần coi trọng các yếu tố về trọng yếu rủi ro và đảm bảo các đơn vị được lựa chọn mang tính đại diện.

Ba là, nâng cao chất lượng thực hiện kiểm toán. Các KTV khi kiểm toán phải nghiêm túc chấp hành các quy định và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; tăng cường sự phối hợp và duy trì kết nối thông tin giữa các tổ để tìm ra những vấn đề vướng mắc và có phương án giải quyết thích hợp. Đoàn kiểm toán có thể sử dụng tham vấn hoặc mời chuyên gia, nhất là khi xây dựng tiêu chí các cuộc kiểm toán có yếu tố kỹ thuật cao như: bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc, vật tư hóa chất…

Bốn là, tiến tới 30 - 40% thời gian kiểm toán tổng hợp một cuộc kiểm toán, đồng thời thay đổi cách thức kiểm toán tổng hợp song song với thời gian kiểm toán chi tiết nhằm đảm bảo kết quả kiểm toán tổng hợp được nhân rộng và cung cấp bằng chứng kiểm toán từ các đơn vị kiểm tra chi tiết.

Năm là, nâng cao hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, các kiến nghị cần phải theo dõi cụ thể về loại hình kiến nghị, số kiến nghị, năm ngân sách và nguyên nhân chưa thực hiện.

Sáu là, nâng cao chất lượng kiểm soát chất lượng kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp tại các tổ kiểm toán, nhất là ở các đơn vị có khả năng tiềm ẩn nhiều rủi ro, sai sót.

Bảy là, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho KTV theo hướng xây dựng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thường xuyên phổ biến các chuẩn mực nghề nghiệp, văn bản pháp luật mới và mời chuyên gia tài chính đến trao đổi với KTV.

Tám là, hoàn thiện mối quan hệ phối hợp trong kiểm toán NSBN, nhất là việc chia sẻ thông tin, tài liệu liên quan đến kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách. Đồng thời, thống nhất kế hoạch kiểm toán của KTNN với cơ quan thanh tra khác, tránh trùng lặp nội dung với đơn vị được kiểm toán, thanh tra.
ThS. ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III