Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp: Phớt lờ cảnh báo

Xã hội - Ngày đăng : 13:05, 05/01/2017

(BKTO) - Hàng trăm ngườithương vong, cả nghìn tỷ đồng hóa tro… Đó là những con số chưa kể hết về mức độthiệt hại do cháy nổ gây ra được Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứuhộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an thống kê và công bố mới đây. Điều đáng nói, nhữngnguy cơ cháy nổ dù đã được cảnh báo trước, song lại không được ngăn chặn kịp thờidẫn đến tình trạng sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng mới… siết quản lý.


Hàng nghìn tỷ đồng hóa tro do cháy nổ

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, sau 2 năm triển khai Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, trong đó có 1.229 vụ cháy tại các cơ sở, 1.290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông và 318 vụ cháy rừng, làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1.240 tỷ đồng và 1.800 hecta rừng. Số vụ cháy lớn mặc dù chỉ chiếm 0,96% tổng số vụ cháy nhưng gây thiệt hại 931,8 tỷ đồng, tương đương 75,1% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra.

Lực lượng cảnh sát PCCC cứu hộ đám cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, Ảnh:LÊ QUỲNH
Một số vụ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng trong năm qua phải kể đến như: Vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, TP. Hà Nội) làm 5 người chết, 10 người bị thương, hơn 200 ngôi nhà bị hư hại; vụ cháy xảy ra tại đường Phan Bội Châu (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) làm cho 6 người trong gia đình thiệt mạng; vụ cháy quán karaoke ở Trần Thái Tông (Cầu Giấy, TP. Hà Nội), khiến 13 người thiệt mạng… Trong số các vụ cháy nổ trong những năm gần đây, có tới 60% đến 70% vụ cháy nổ có nguyên nhân là do sử dụng điện.

Qua phân tích cho thấy, tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề (1.290 vụ, chiếm 42,9%). Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, chung cư… tiếp tục là điểm “nóng” về nguy cơ cháy nổ và để lại hậu quả lớn khi xảy ra cháy nổ. Ngoài ra năm 2016 nổi lên tình hình cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như: Vũ trường, quán bar, karaoke… Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội: Toàn thành phố có 988 cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động thì có tới 787 cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC và an ninh trật tự... Trong số 10 vụ cháy xảy ra ở các cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” trong 2 năm 2015, 2016, chủ yếu là cơ sở karaoke thì Công an Hà Nội đã khởi tố 4 vụ, truy tố 4 vụ việc.

Cháy nhà… ra sai phạm

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC tương đối đầy đủ, chặt chẽ, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chỉ có thể lý giải được là do ý thức của con người, cụ thể là người đứng đầu cơ sở và người lao động. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở đã cố tình lách luật, không đầu tư hoặc đầu tư không đầy đủ cho công tác PCCC dẫn đến nhiều nguy cơ cháy xuất phát từ yếu tố hạ tầng kỹ thuật. Thậm chí, nhiều cơ sở khi cháy xảy ra không có lực lượng phát hiện, báo cháy, tổ chức chữa cháy ban đầu. Có cơ sở vì sợ ảnh hưởng thương hiệu nên cháy xảy ra “âm thầm” tự chữa, đến khi không chữa được mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì đã muộn.

Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - việc làm rõ trách nhiệm khi xảy ra các vụ cháy còn hạn chế nên có rất ít vụ cháy, bị can bị truy tố trách nhiệm hình sự dẫn đến sự coi thường, “nhờn” pháp luật. Ở một số nơi, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC của Cảnh sát PCCC, chính quyền cơ sở các cấp chưa cao; sự phối hợp của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCCC thiếu chặt chẽ, đồng bộ; các điều kiện khác bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước còn bất cập; chưa làm hết trách nhiệm, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm… “Tất cả những hạn chế đã dẫn đến tình trạng khi hiểm họa xảy ra, lúc đó mới nhận ra sai phạm, khuyết điểm thì đã quá muộn” - Đại tá Thắng nói thêm.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, có tình trạng cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thậm chí là cố tình “bật đèn xanh” cho vi phạm tồn tại. Chỉ đến khi xảy ra sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng thì lúc đó mới siết quản lý. Như vậy chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”, mà làm cũng không đến nơi đến chốn. Bằng chứng là diễn biến các vụ việc cháy nổ càng ngày càng phức tạp, gia tăng qua từng năm - ông Tú cho biết.

Tết Nguyên đán đang đến gần, tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thời tiết đang làm gia tăng nguy cơ về cháy nổ. Do đó, để không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, mỗi người dân cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng và nâng cao ý thức trong phòng chống cháy nổ; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ chung của cả xã hội, không chỉ riêng các lực lượng chức năng.

NGUYỄN LỘC