Giám sát, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 12:10, 30/03/2021
(BKTO) - Cá nhân, tổ chức và cơ quan có liên quan đóng vai trò nhất định trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án đầu tư.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Theo đó, Nghị định quy định rõ trách nhiệm, nội dung giám sát, đánh giá đối với chương trình, dự án đầu tư công; dự án PPP; dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác; dự án đầu tư ra nước ngoài.
Về chương trình đầu tư công, Nghị định quy định chủ chương trình, chủ dự án thành phần thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư chương trình đầu tư công theo nội dung và các chỉ tiêu được phê duyệt nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
Cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện như sau: Kiểm tra ít nhất một lần đối với chương trình có thời gian thực hiện trên 12 tháng; kiểm tra khi điều chỉnh chương trình làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng mức đầu tư.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công thực hiện theo dõi, kiểm tra chương trình thuộc phạm vi quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, cơ quan chủ quản và người có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình quyết định tổ chức kiểm tra chương trình theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (dự án PPP), cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP và nhà đầu tư tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án theo nội dung được phê duyệt và hợp đồng dự án.
Người có thẩm quyền phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc thẩm quyền. Việc kiểm tra được thực hiện như sau: Kiểm tra ít nhất một lần đối với các dự án do mình phê duyệt; kiểm tra khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, mục tiêu, quy mô, tăng tổng vốn đầu tư.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án thuộc phạm vi quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Còn đối với dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì nhà đầu tư, tổ chức kinh tế tự tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án.
Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý. Việc kiểm tra được thực hiện ít nhất một lần đối với mỗi dự án.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện theo dõi, kiểm tra dự án trong phạm vi quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và cơ quan đăng ký đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, việc giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Việc giám sát, đánh giá các chương trình, dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định này; những vấn đề khác biệt do đặc thù của việc sử dụng các nguồn vốn này, thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và điều ước quốc tế liên quan./.
HỒNG NHUNG