Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả sẽ giảm gánh nặng cho NSNN

Đối nội - Ngày đăng : 10:04, 18/06/2017

(BKTO) - Khaithác nguồn lực tài chính từ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập như thếnào là phù hợp? Có nên cho phép khai thác tài sản công chưa sử dụng hết côngsuất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết? Cơ chế nào để giám sát việcnày? Đây là những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội cũng như từ cácđại biểu Quốc hội khi bàn về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước(sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (dự kiến thông qua cuối kỳ họp).



Bộ trưởng Bộ Tài chínhĐinh Tiến Dũng khẳngđịnhviệc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuênhằm giảm bớt áp lực cho NSNN.Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục cho khai thác

Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) tiếp tục cho phép các đơn vị sự nghiệp có khả năng xã hội hóa được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng không quy định đơn vị phải làm thủ tục xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN như hiện nay, mà tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập đều có quyền khai thác tài sản công khi có đủ các điều kiện theo quy định. Riêng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quyền tự chủ cao hơn về tài sản so với các đơn vị khác. Đây cũng là tiền đề để các đơn vị sự nghiệp công lập dần tiến tới tự chủ, giảm sự bao cấp của Nhà nước.

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), những nội dung trên được quy định tại các điều: 35, 53, 54, 55, 56, 57. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng đầu tư quá mức, dẫn tới dư thừa công suất, đồng thời yêu cầu việc xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tránh lãng phí trong đầu tư (Khoản 4, Điều 7; Khoản 2, Điều 11 và Khoản 2, Điều 29).

Trong thực tế, có những tài sản được đầu tư trang bị phù hợp với tiêu chuẩn, định mức dù không sử dụng hết công suất nhưng vẫn bắt buộc phải đầu tư. Đối với trường hợp này, Dự thảo Luật quy định việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và công năng sử dụng của tài sản để tránh lãng phí. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư, mua sắm mới các tài sản từ nguồn vốn NSNN dẫn đến dư thừa công năng, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung và sửa lại các quy định tại Điểm a, Khoản 1 của các Điều 55, 56 và 57. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết trong trường hợp tài sản được đầu tư từ NSNN trang bị để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao cả trước và sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Băn khoăn, kiến nghị

Nhận định việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản chưa sử dụng hết công năng để cho thuê, khai thác góp vốn kinh doanh có những ưu điểm, song đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) vẫn tỏ ra băn khoăn bởi quy định này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chính khi thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, việc này cũng chịu sự ảnh hưởng bởi quy luật thị trường, có khả năng bị mất vốn do kinh doanh thua lỗ, gây tác động tiêu cực đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể ảnh hưởng đến uy tín nếu tài sản góp vốn là thương hiệu của chính đơn vị đó. Thực tế, trừ trường hợp góp vốn liên doanh, liên kết, việc hạch toán từ hoạt động cho thuê khai thác của các đơn vị sự nghiệp công lập thường rất khó theo dõi và quản lý trên phương diện quản lý nhà nước.

Về quy định tại Khoản 5, Điều 54 của Dự thảo Luật, đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng, vấn đề quan trọng là thiết lập một cơ chế tài chính hiệu quả cùng với quy trình giám sát chặt chẽ nguồn thu, chi từ việc cho thuê khai thác tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập thì mới có thể có được phần còn lại để nộp vào NSNN, bởi thực tế hiện nay rất hiếm trường hợp thực hiện được nghĩa vụ này. Ngoài ra, việc sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ cũng cần được cân nhắc vì sẽ xung đột với nhiều quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan. Bởi vậy, giải pháp cho vấn đề này là rà soát, đánh giá đúng thực trạng phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập, nếu đơn vị nào đủ điều kiện thì nên sớm chuyển sang quản lý hoạt động theo mô hình DN.

Liên quan đến việc phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị, cần phải có quy định phù hợp cho từng loại hình đơn vị để đảm bảo số tiền thu được sau khi trừ chi phí, nộp các loại thuế, nghĩa vụ tài chính thì phần còn lại được bổ sung vào kinh phí hoạt động của đơn vị hoặc giảm trừ vào phần cấp phát từ NSNN. Đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp đã hoạt động như DN thì phần chênh lệch còn lại sau thuế phải nộp vào NSNN. Như vậy, Mục d, Khoản 5, Điều 54 của Dự thảo Luật chưa phù hợp với một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập …

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện sau này, ông Hiền đồng tình với việc giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng tài sản công, các đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, trong đó cần đảm bảo tính phù hợp cho từng loại hình DN, phù hợp với lộ trình đưa phí vào giá, tiến tới cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị này.

Sẽ quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhằm giảm bớt áp lực cho NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư; nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế, tăng cường xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

TheoBộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để việc khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, Dự thảo Luật đã rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu tài sản nhà nước; bảo toàn, phát triển vốn tài sản nhà nước; sử dụng tài sản đúng mục đích, đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

HỒNG ANH