Vượt bão Covid, làng gốm Bát Tràng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Kinh tế - Ngày đăng : 14:05, 07/04/2021

(BKTO) - Thời gian vừa qua, làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chịu không ít tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vượt lên khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề vẫn duy trì hoạt động, nỗ lực sáng tạo, phát triển những mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và kinh doanh trên nền tảng online.


                
   

Bên trong xưởng gốm Bình Thảnh, các sản phẩm đã xong giai đoạn làm thô, chưa đưa vào lò vì đơn xuất khẩu bị đình trệ.

   

Khó khăn chồng chất khó khăn

Làng gốm Bát Tràng vốn được biết đến là làng nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi đời, nổi tiếng ở Hà Nội cũng như khắp cả nước với sản phẩm gốm gia dụng và gốm thủ công mỹ nghệ.

Làng có hơn 1.000 hộ thì có tới 700 hộ làm nghề gốm, trong đó 400 hộ có lò nung. Số còn lại làm các dịch vụ như làm mầu, làm hoa nổi, vẽ thủ công và trung chuyển buôn bán tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề.

Nếu như trước kia tại làng Bát Tràng ngày nào lò nung cũng đỏ lửa, hoạt động liên tục với các đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu thì khi dịch Covid bùng phát, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Hiện tại, các cơ sở chỉ duy trì sản xuất cầm chừng, một vài gian hàng chỉ mở để giữ mối còn lại tập trung chủ yếu vào việc bán hàng online và giao liên tỉnh.
                
   

Trung tâm du lịch làng gốm Bát Tràng vắng lặng.

   

Thị trường xuất khẩu gốm của làng Bát Tràng gần như đóng băng. Tính đến thời điểm này, hơn 70% đơn hàng xuất khẩu của xưởng gốm - Công ty XNK Hải Nguyệt bị hoãn vô thời hạn hoặc hủy bỏ.

Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Công ty bộc bạch: “Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn vì nhiều đơn hàng, mẫu mã đã duyệt rồi chỉ chờ ngày chuyển tiền cọc và ký hợp đồng thì bị hoãn hủy do dịch. Trong nước, thị trường cung cấp sản phẩm quà tặng sự kiện, hội nghị, hội chợ hay quà tặng của doanh nghiệp cũng giảm hẳn”.
                
   

Gian hàng của Công ty XNK Hải Nguyệt tạm đóng cửa.

   

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở xưởng gốm Thu Phương của chị Nguyễn Hoài Thu, xưởng gốm chỉ mới khôi phục sản xuất sau Tết Nguyên Đán. Theo chị Thu, cũng như phần lớn chủ các xưởng gốm ở Bát Tràng, khúc mắc không chỉ nằm ở đầu ra mà nhân công cũng là một vấn đề nan giải.

Vì mức lương cứng cho công nhân vẫn phải đảm bảo nên chị Thu buộc phải tìm các nguồn hàng nội địa để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, lượng công việc vẫn chỉ đạt ở mức 50% so với trước nên nhiều nhân công xin nghỉ việc để chuyển hướng kinh doanh.
                
   

Cả gia đình chị Thu cùng nhau vào hỗ trợ công việc trong xưởng do thiếu nhân công

   

Chị Hoài Thu cho biết: “Với các doanh nghiệp lớn thì họ có đủ nhân lực, vật lực, tài lực để thực hiện sản xuất. Trong khi những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi khó khăn hơn nhiều”.

Tình hình dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động làng nghề nói chung và du lịch làng nghề nói riêng của Bát Tràng gặp nhiều khó khăn. Trái với không khí tấp nập khách du lịch như mọi năm, những ngày này có thể cảm nhận được không khí trầm lắng.
                
   

Một cửa hàng ngay vị trí đắc địa của khu trung tâm đang đóng cửa

   

Theo ghi nhận của phóng viên khi đến làng gốm Bát Tràng vào những ngày cuối tuần, hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường và trong chợ đều vắng tanh. Hàng loạt các gian hàng đóng cửa, lác đác có các sân chơi làm gốm, vuốt-vẽ-nặn gốm mở cửa đón khách, thế nhưng mỗi ngày chỉ có một vài lượt khách vào tham quan.
                
   

Chợ gốm Ba Miền vốn trước rất đông khách nay quang cảnh cũng đìu hiu

   

Nghệ nhân Nguyễn Nguyên, chủ xưởng gốm Gốm Ngon chuyên cung cấp dịch vụ vẽ gốm, cho biết: “Từ khi thực hiện cách ly, giãn cách xã hội rồi dịch bùng phát trở lại thì công việc gần như dừng hẳn, du khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài không tới nữa”.
                
   

Khu trải nghiệm làm thợ gốm kết hợp nhà hàng, cà phê trước kia mỗi ngày đón cả chục tour du lịch nay cả ngày không có nổi vài ba khách tham quan

   

Chuyển hướng vào thị trường nội địa, nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh

Đối mặt với tình hình khó khăn chung, các cơ sở ở làng gốm Bát Tràng đã chủ động chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa và tập trung tìm kiếm các cơ hội mới.
                
   

Xưởng gốm Thu Phương của chị Nguyễn Hoài Thu đang khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa

   

Chị Tạ Minh Trang - Giám đốc xưởng gốm Bình Thảnh, chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài của xưởng chỉ còn lại từ 10 đến 15%. Do đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu tính tới phương án khôi phục sản xuất để vực dậy sau dịch.

Cụ thể, chị Trang cho biết, thay vì chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hướng tới xuất khẩu, cơ sở chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước. Lấy sản phẩm truyền thống làm cốt lõi để phát triển gốm hiện đại, đi sâu vào sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất, nhà cửa.
                
   

Các mặt hàng gốm gia dụng với mức giá hợp lý rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử

   

Vốn là những nghệ nhân cần cù, sáng tạo, trong thời điểm sản xuất đình trệ do dịch bệnh, làng nghề truyền thống Bát Tràng không trượt dốc mà đang miệt mài cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra những mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.

Các nghệ nhân cũng trở nên năng động hơn, tìm tòi, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất.
                
   

Các mặt hàng gốm trang trí nội thất cũng là một mặt hàng thu hút người tiêu dùng trong nước

   

Ngoài việc tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn phải thay đổi nhận thức về vai trò thương mại điện tử và công nghệ số trong thời đại mới.

Nhiều hộ kinh doanh trước đây chưa coi trọng phương thức bán hàng online cũng đã bắt đầu chào hàng qua mạng, thực hiện ký kết các hợp đồng online. Trong thời gian này, phương thức bán hàng online thực sự đã trở thành biện pháp tối ưu để có thể thúc đẩy tình hình kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, chính sách đặc thù giúp các làng nghề sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh như các chính sách về xây dựng thương hiệu làng nghề, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chính sách truyền thông làng nghề…

Bài và ảnh: KHÁNH LINH