“Con đường tơ lụa” từ một Festival

Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 19/06/2017

(BKTO) - Festival Hành trình di sản Quảng Nam 2017 vừa khép lại. Song có thể nói, dấu ấn đọng lại của các hoạt động Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 diễn ra tại làng lụa Hội An lại có một ý nghĩa và sức lan toả khá lớn.


Thắp lửa cho những làng nghề

Lần đầu tiên, Festival thu hút sự tham gia của hầu khắp các làng nghề trong cả nước và gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi cao phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khmer ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơ Tu của vùng núi miền Trung, nghệ nhân dân tộc Thái của vùng phía Tây tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó là các làng nghề truyền thống có danh tiếng hàng trăm năm như làng lụa Nha Xá, Vạn Phúc, Nam Cao ở đồng bằng Bắc Bộ.

Festival Văn hóa tơ lụa thổ cẩm Việt Nam - châu Á 2017 diễn ra tại làng lụa Hội An

Ngoài ra, còn có các làng nghề Tân Châu ở An Giang, Chăm Ninh Thuận; Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á và các tập đoàn sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, các nước láng giềng như Malaysia, Lào, Myanmar…

Festival được xem là một hoạt động nhằm tôn vinh nghề dệt, các sản phẩm dệt, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc; đồng thời học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm; thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển cũng như là cầu nối quảng bá các sản phẩm tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam ra thế giới.

Điểm mới của Festival lần này là những buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo liên quan đến lụa. Trong khuôn khổ Festival diễn ra song song 2 buổi tọa đàm "Lụa trong đời sống hiện đại" và "Con đường tơ lụa Việt Nam". Ngành nghề truyền thống có những giá trị riêng. Linh hồn của văn hóa truyền thống sẽ làm nên những cảm hứng cho một nền kinh tế bền vững lâu dài. Tính đến cơ hội kết nối để ngành lụa phát triển là điều được đề cập nhiều nhất.

Cũng như làm gì để xác định đặc trưng của lụa Hội An cũng như lụa Việt. Nói như chia sẻ của nhà văn Nhật Chiêu "Lụa không chỉ thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn là văn hóa của cả một dân tộc. Chừng nào còn giữ được sự kết nối của lụa vào đời sống qua hình ảnh chiếc áo dài thì chừng đó chúng ta sẽ còn tự hào về văn học Việt. Đó còn là một phần rất quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa phương Đông".

Câu chuyện thương hiệu

Ông Fumio Kato, chuyên gia về trạm dừng nghỉ và phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp của Nhật Bản, nêu một dẫn chứng rất đáng suy ngẫm. Khách nước ngoài đến mua lụa ở Hội An, không hẳn vì trên sản phẩm ghi là lụa 100%. Mà hầu hết vì giá cả. So với một sản phẩm tương tự ở những nơi khác, lụa ở đây rẻ hơn, mặc dầu thiết kế thì chưa tới, chất lượng thì trung bình.

Theo ông, để lụa Việt Nam vươn ra thế giới, phải thoát khỏi cái tư duy về câu chuyện giá cả mà là thương hiệu. Ông Kato dẫn ra một câu chuyện khác, là ở Bảo tàng Mỹ thuật Prada của Tây Ban Nha, nơi được đánh giá là bảo tàng hàng đầu thế giới lại bày bán một dòng lụa của Thái, vì họ có thương hiệu.

Một khi làm được thương hiệu tốt, có thể bán sản phẩm của mình ở những nơi tưởng chừng không thể với một mức giá xứng đáng. Nếu đẩy mạnh được thiết kế sản phẩm và tạo được thương hiệu tốt thì lụa Việt có thể cất cánh.

Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty Dệt may Toàn Thịnh, người xây dựng nên thương hiệu “Lụa Lý” chia sẻ. Phải xác định rằng lụa sẽ phù hợp với dòng thời trang nào, để từ đó có cách tính toán phù hợp về đường đi nước bước cũng như giá cả của mình. Không thể cào bằng như bất cứ sản phẩm vải vóc nào cũng gọi tên bằng lụa Việt để “đánh lừa” thiên hạ nhằm chỉ bán cho du lịch với đủ mọi mức giá, đó chính là cách “tự giết” nghề của mình.

Chia sẻ ý kiến này, ông Fumio Kato cho rằng nếu người làm nghề truyền thống không thể sống được với sản phẩm của họ thì làm sao để họ làm nên sản phẩm chất lượng tốt. Người làm ra lụa phải sống đã, làm sao để họ không phải chết dần. Nghệ nhân già chết đi thì đám trẻ có theo nghề không?

Phải có các lớp nghệ nhân kế cận, bằng một cách rất dễ nhưng cũng rất khó: làng nghề bán được hàng. Nhiệm vụ cấp bách là thay đổi theo cách nào mà cuộc sống đang cần, nhu cầu thị trường đang cần nhưng vẫn giữ cái riêng của mình, phục vụ thị trường một cách thông minh và dài hạn, không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, chính cách này sẽ giết chết các sản phẩm truyền thống và người làm nghề”.

Theo ông Dilip Barooah, Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á, hãy làm sao để sử dụng tốt nhất các nguồn nguyên liệu trong nước cũng như việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu may mặc của thị trường. Với lụa Việt Nam, càng cần phải có nhiều hơn những chiến lược phát triển sát sườn, đó là gắn lợi ích với người trực tiếp làm ra lụa, xây dựng thương hiệu và giữ chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, nhà thiết kế Minh Hạnh, người đứng ra tổ chức chương trình “Đêm hội phương Đông” với 18 bộ sưu tập trên chất liệu lụa trong dịp này nhận định. Để đưa ngành thiết kế và sản xuất của Việt Nam ra thế giới cần phải sử dụng chất liệu lụa Việt vì nó có tiếng nói sáng tạo độc đáo riêng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Lụa Việt Nam hôm nay đã thực sự đi vào cuộc sống với những chất liệu sang trọng, thiết kế gọn nhẹ, cần chung tay bảo tồn và phát huy.

Theo thông tin từ ông Fei Jianming, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới: Hiện Hiệp hội Tơ lụa thế giới đang hướng đến việc thành lập các hội đồng chuyên nghiệp về lịch sử và văn hóa tơ lụa, thiết kế thời trang kỹ thuật và thương mại.

Mỗi hội đồng sẽ bao gồm các chuyên gia và doanh nhân từ nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, thắt chặt quan hệ truyền thông và giao lưu giữa các quốc gia, tối đa hóa vai trò các nguồn lực chất lượng cao. Mở ra một con đường mới theo xu thế liên kết toàn cầu được hứa hẹn sẽ làm nên một hành trình mới cho ngành tơ lụa Việt và các nước châu Á.

Câu chuyện Tơ lụa truyền thống của Việt Nam làm cách nào để vươn đến thị trường thế giới? Hy vọng sẽ không còn là một chuyện viển vông, khi ngày càng có nhiều chiến lược phát triển dành cho ngành hàng này.

Theo THANH NHUNG
Thời báo Ngân hàng