Động lực và thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:45, 08/12/2016

(BKTO) - Báo cáo Điểm lạicập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày05/12 cho thấy, bên cạnh những yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng, kinh tế ViệtNam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.


Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

Các chuyên gia của WB dự báo: Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 6% năm 2016. Mặc dù tăng trưởng đã phần nào chững lại nhưng môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được củng cố. Các yếu tố, động lực đảm bảo cho tăng trưởng vẫn được giữ vững. Minh chứng là, sức cầu trong nước được cải thiện do đầu tư và tiêu dùng tăng lên. Tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản dự kiến đóng góp lần lượt ở mức 4,3 và 1,7 điểm phần trăm cho tổng tăng trưởng GDP năm 2016. Tính đến hết tháng 9 năm nay, đầu tư tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng đầu tư toàn xã hội lên khoảng 33% GDP. Đầu tư công vẫn được duy trì ở mức cao, đóng góp khoảng 38% tổng đầu tư toàn xã hội.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo WB, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% trong 9 tháng đầu năm 2016. Mặc dù tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (9,9%) nhưng công nghiệp vẫn đóng góp khoảng một nửa tổng mức tăng trưởng GDP năm nay.

Yếu tố nữa tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến cuối tháng 10/2016, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài lên đến khoảng 280 tỷ USD (tương đương 150% GDP). Khu vực FDI đóng góp khoảng 18% GDP của Việt Nam, gần 1/4 tổng đầu tư toàn xã hội, 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm.

WB cũng đã điểm lại những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2017 do WB ban hành mới đây, Việt Nam đứng thứ 82/190 nền kinh tế trên thế giới nhờ những cải cách về nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, tiếp cận điện…, tăng 9 bậc so với năm trước. Đây chính là động lực tạo điều kiện cho DN phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Tiềm ẩn những thách thức

Bên cạnh đó, các chuyên gia WB nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%. Mặc dù lạm phát vẫn ở mức thấp nhưng hiện đang có những quan ngại về việc chính sách tiền tệ mở rộng trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên giá cả tài sản, từ đó gây áp lực lạm phát về lâu dài.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải nới lỏng chính sách vĩ mô, bao gồm điều chỉnh trọng số rủi ro và hệ số vốn vay dài hạn trên tiền gửi ngắn hạn, làm tăng thanh khoản để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 19% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 10/2016. Điều này khiến chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebasian Eckardt quan ngại: “Tăng trưởng tín dụng gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP và chính sách tài khóa hỗ trợ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại làm gia tăng những rủi ro tài khóa và tài chính hiện hữu trong trung hạn”.

Khu vực FDI đóng góp khoảng 18% GDP của Việt Nam. Ảnh: TS
Báo cáo của WB tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình hình bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép. Kết quả thu chi ngân sách trong 3 quý năm 2016 đã thể hiện những áp lực lâu nay với ngân sách. Cụ thể, số thu thực hiện ước tăng 5,2%, đạt 71% chi tiêu ngân sách. Kết quả thu này chủ yếu nhờ vào nguồn thu ngoài thuế với mức tăng 24%, chiếm gần 30% tổng thu. Trong khi đó, số thu từ các sắc thuế lớn tổng cộng chiếm gần 2/3 tổng thu từ thuế lại chưa đạt chỉ tiêu ngân sách. Từ đây, WB đặt câu hỏi: “Do thu ngoài thuế không phải là nguồn thu thường xuyên nên vấn đề đặt ra là mức tăng gần đây liệu có bền vững?”.

Nhìn từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tác động bởi nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu thông qua các kênh thương mại và đầu tư. Tình hình thị trường tài chính chưa khởi sắc và lãi suất đang tăng cũng là những quan ngại khi Việt Nam đang có chủ trương tiếp cận các thị trường vốn quốc tế nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách trong trung hạn. Viễn cảnh về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mờ nhạt dần có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của Việt Nam.

Cùng với đó, nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế. Tăng trưởng kinh tế quá phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất (vốn, tài nguyên và lượng lao động kỹ năng thấp) cũng như các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô. Nhận thức rõ điều này, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tiếp tục cải cách nhằm nâng cao ổn định cho hệ thống ngân hàng và xây dựng các thị trường vốn sâu hơn, cải thiện hiệu suất của khu vực DNNN, tăng cường đầu tư công và tạo thuận lợi cho một khu vực tư nhân năng động hơn. WB cho rằng, Kế hoạch tái cơ cấu này là bước đi quan trọng theo hướng chuyển đổi cơ cấu, nếu được triển khai đồng bộ có thể giúp giải quyết những thách thức nảy sinh trong nền kinh tế.

NGỌC MAI