Thiếu nước bên dòng Cửu Long

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:05, 13/04/2021

(BKTO) - Là địa phương có vị trí nằm cuối nguồn sông Mê Công (còn gọi là sông Cửu Long), tỉnh Tiền Giang đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu và tình trạng sử dụng nguồn nước ở khu vực thượng nguồn. Đáng chú ý là tình hình xâm nhập mặn và thiếu nguồn nước sử dụng, thiếu nước sạch đang trở nên đáng báo động, đặc biệt là tại các xã giáp ranh với biển tại huyện Gò Công Đông.


                
   

Nước bị nhiễm mặn, người dân xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) phải đội nắng giữa trưa đi đến điểm lấy nước ngọt về sinh hoạt - nơi cách nhà vài km

   

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tình trạng xâm nhập mặn thường diễn ra vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều đưa nước biển lấn sâu vào đất liền thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt của vùng đồng bằng. Do nước biển xâm nhập sâu, có thời điểm tại một số địa phương bị xâm nhập mặn có độ mặn cao, cá biệt lên tới 7,6 g/l.

Tình trạng này kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN đóng trên địa bàn tỉnh nói chung và tại một số địa phương giáp biển nói riêng.

Nhằm đánh giá tác động của công tác quản lý nhà nước đến môi trường nguồn nước sông Mê Công, cũng như nhìn nhận tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến đời sông sinh hoạt, sản xuất của người dân tại các địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công nói chung (thuộc địa bàn Việt Nam) và tỉnh Tiền Giang nói riêng, KTNN đang tiến hành cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại các địa phương và các Bộ, ngành có liên quan.
                
   

Tìm hiểu thực trạng xâm nhập mặn tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang)

   

Hoạt động kiểm toán này nằm trong khuôn khổ của Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công tại Đông Nam Á giai đoạn 2020-2021 do KTNN Việt Nam - Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 - đề xuất thực hiện với sự tham gia của ba cơ quan KTNN: Việt Nam (chủ trì), Myanmar và Thái Lan.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN sẽ đóng góp tiếng nói với các quốc gia lưu vực sông Mê Công và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường khai thác, sử dụng bền vững và quản lý hiệu quả nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phóng viên Báo Kiểm toán đang có chuyến công tác tại tỉnh Tiền Giang và ghi nhận những tác động của tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt của người dân tại đây ngày 11/4/2021.
                
   

Tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp vào thời điểm tháng 4, tháng 5 thông qua các nhánh của sông Tiền

   
                
   

Cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đo độ mặn tại một điểm sông. Các địa phương gần biển thường có tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng hơn

   
                
   

Vốn có 3 vụ lúa, do ảnh hưởng của ngập mặn, thiếu nước phục vụ sản xuất nên địa phương đề nghị người dân chỉ sản xuất 2 vụ để giảm rủi ro

   
                
   

Không có nước ngọt để cấy trồng, nhiều hộ dân chuyển sang nuôi tôm. Đây cũng là giải pháp đối phó với ngập mặn mà chính quyền tỉnh Tiền Giang đang triển khai, song không nhiều hộ có đủ nguồn lực để chuyển hướng sản xuất

   
                
   

Đáng báo động là tình trạng xâm nhập mặn khiến cho người dân không còn nước sinh hoạt và phải trông chờ vào một số điểm cấp nước có vị trí rất xa

                                              
      

Dù giữa trưa nắng, nhưng người dân buộc phải xếp hàng đế lấy nước về trữ dùng, vì nguồn nước quanh nhà đều đã nhiễm mặn, không thể sử dụng

      
   
                
   

Ông Nguyễn Văn Đ., trú tại ấp Cầu Xây (xã Kiểng Phước) cho biết, do người dân đến lấy nước rất đông, nên ông phải tranh thủ buổi trưa để lấy nước dùng

   
                
   

Trong khi các điểm cấp nước ngọt tại các xã rất hạn chế, thì người dân phải dùng cả nước kênh, mương để phục vụ sinh hoạt. Trong ảnh, bà Nguyễn Thị Khéo đang thông tin với PV về các đường ống hút nước từ kênh dẫn vào các nhà.

   
                
   

Thậm chí, nhiều kênh mương còn không có nước để phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt. Những kênh mương cấp 3 do UBND cấp xã quản lý bị trơ đáy như thế này hiện vẫn chiếm gần một nửa tổng số kênh mương tại xã Kiểng Phước

   
                
   

Các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn phức tạp tại đây

   

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC