Những thách thức trong việc nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 08/04/2021
(BKTO) - Nhận thức rõ vai trò quan trọng của báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP) để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành NSNN của HĐND, UBND các cấp, thời gian qua, KTNN đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, với đặc thù là lĩnh vực kiểm toán phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhất là trong bối cảnh quản lý nhà nước có nhiều thay đổi như hiện nay, việc đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán BCQT NSĐP cần tiếp tục được đặt ra.
Một đoàn kiểm toán NSĐP thuộc KTNN khu vực V đang làm việc tại đơn vị được kiểm toán
Thực tiễn chỉ ra nhiềuthách thức
Thời điểm này, các đơn vị kiểm toán đang tiến hành thực hiện kiểm toán lĩnh vực NSĐP theo kế hoạch kiểm toán (KHKT) được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt. Việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm toán BCQT NSĐP, từ đó đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với từng đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán và mỗi kiểm toán viên (KTV).
Theo Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện đổi mới trong quá trình, thủ tục kiểm toán như ban hành hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán mới, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán BCQT NSĐP... KTNN cũng đã và đang đẩy mạnh áp dụng các phương pháp kiểm toán mới, như phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Nhờ đó, hoạt động kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn, đúng với các chuẩn mực kiểm toán của KTNN và thông lệ kiểm toán.
Từ thực tiễn kiểm toán, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, mặc dù đã có sự chỉ đạo sát sao của Tổng Kiểm toán Nhà nước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo trước khi kiểm toán, song việc triển khai thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức để tạo sự chuyển biến đột phá trong lĩnh vực này. Theo quy định, công tác kiểm toán BCQT tổng hợp của 3 cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) được triển khai với rất nhiều đơn vị thực hiện khác nhau, từ đó dẫn đến việc thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán gặp nhiều khó khăn, khác với việc kiểm toán BCQT của một đơn vị, dự án. Đơn cử, để đánh giá việc chi NSNN là đúng chính sách, chế độ, làm cơ sở cho việc xác nhận số liệu quyết toán chi thì bị hạn chế bởi việc chọn mẫu, do số lượng đơn vị được kiểm toán, đối chiếu rất ít trong khi số lượng đơn vị sử dụng NSNN tại các cấp ngân sách của một tỉnh là rất nhiều.
Một thách thức khác được chỉ ra, đó là việc tổng hợp các sai sót của số liệu BCQT ngân sách một tỉnh đã phát hiện qua kiểm toán để đánh giá khả năng sai sót tại các đơn vị khác không chọn kiểm toán, từ đó có ý kiến về tính đúng đắn, trung thực của BCQT của ngân sách một tỉnh là rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do việc quản lý, sử dụng tài chính công được điều hành, quyết định bởi những người có thẩm quyền khác nhau; được thực hiện trong hệ thống kiểm soát nội bộ khác nhau; hệ thống quy định pháp luật áp dụng cũng khác nhau... Ngoài ra, muốn kiểm toán việc sử dụng NSNN tại các đơn vị dự toán cấp 1 và cấp 3 phải thực hiện đối chiếu, song việc đối chiếu có những hạn chế, không thể kéo dài thời gian, mở rộng phạm vi để đảm bảo mẫu chọn.
Cần giải pháp đồng bộđể nâng cao chất lượngkiểm toán
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong kiểm toán đối với lĩnh vực NSĐP, từ đó hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán lĩnh vực này, nhiều đơn vị kiểm toán đã đề xuất một số giải pháp và đề nghị việc triển khai thực hiện các giải pháp cần đảm bảo đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.
Theo đại diện KTNN khu vực VIII, khi lựa chọn đơn vị, đầu mối, dự án chi tiết để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành thông báo gửi các địa phương sau khi ban hành KHKT năm, các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán cần tiến hành lựa chọn đơn vị để kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo hướng dẫn của KTNN, thay vì dựa trên cơ sở luân phiên chọn kiểm toán như trước đây.
Đặc biệt, trước khi thực hiện kiểm toán, bên cạnh việc thực hiện đánh giá sơ bộ ban đầu về rủi ro tiềm ẩn và rủi ro kiểm soát đối với đơn vị hoặc đối tượng kiểm toán tổng thể, KTV cần thực hiện đánh giá rủi ro, trọng yếu kiểm toán chi tiết đến bộ phận, khoản mục kiểm toán để từ đó có cơ sở lựa chọn và thiết kế mẫu kiểm toán, thủ tục kiểm toán một cách hiệu quả. Ngoài ra, KTV cần tích cực tham khảo kết quả kiểm toán các năm trước để có sự đối chiếu, nhìn nhận phù hợp với vấn đề đang kiểm toán.
Nhấn mạnh vai trò của phương pháp kiểm toán trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, đại diện KTNN khu vực VI đề nghị Ngành cần tổ chức tập huấn, trao đổi cụ thể về Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực kiểm toán BCQT NSĐP sau 1 năm triển khai thực hiện nhằm giúp KTV nắm bắt, nhìn nhận đầy đủ về hướng dẫn này, từ đó áp dụng vào thực tiễn kiểm toán một cách nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn. Về phía KTV, để đáp ứng được yêu cầu vận dụng thành công các phương pháp kiểm toán mới có độ khó cao, đòi hỏi KTV phải không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm và khả năng xét đoán chuyên môn thông qua công tác đào tạo, tự đào tạo.
Có thể thấy, những đổi mới trong hoạt động kiểm toán BCQT NSĐP thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần hạn chế rủi ro kiểm toán, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác kiểm toán đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, trước những đổi mới trong công tác quản lý, điều hành lĩnh vực ngân sách tiếp tục đặt ra cho hoạt động kiểm toán BCQT NSĐP cần phải có những đổi mới hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả kiểm toán theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước và kỳ vọng của HĐND, UBND các cấp.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC