Lợi ích và nguy cơ khi mở lại đường bay quốc tế

Đầu tư - Ngày đăng : 10:10, 08/04/2021

(BKTO) - Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất nối lại các đường bay quốc tế thường lệ, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” cho khách nhập cảnh. Đánh giá về chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm cần thiết để thực hiện “mục tiêu kép” và đáp ứng nhu cầu đi lại của công dân. Tuy nhiên, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.



Bamboo Airways đã sẵn sàng triển khai thác các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Ảnh: V.Hoàng

Đường bay quốc tếđã sẵn sàng

Theo Cục HKVN, kế hoạch khôi phục trở lại các chuyến bay quốc tế được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, Việt Nam chỉ khôi phục các chuyến bay trọn gói, áp dụng với công dân Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (DN lữ hành) phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn sẽ tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền với chi phí trọn gói vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, phí cách ly… Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ tháng 7/2021, các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh cho cả công dân Việt Nam và nước ngoài (phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19). Giai đoạn 3, dự kiến thực hiện từ tháng 9/2021, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin đại trà trong xã hội. Cục HKVN sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”.

Dù chưa chốt chính thức phương án “hộ chiếu vắc-xin” song nhiều hãng hàng không đang rục rịch chờ ngày bay quốc tế trở lại. Trong đó, đại diện của Bamboo Airways cho biết, các hoạt động xúc tiến bay quốc tế trở lại vẫn luôn được Hãng chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt thời gian vừa qua. Hiện nay, Bamboo Airways đã sẵn sàng triển khai khai thác các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản từ tháng 7/2021 và dự kiến mở bán vé trong tháng 4 khi được Cục HKVN cấp phép. Ngoài ra, Hãng này cũng đang tích cực xúc tiến và hoàn tất các thủ tục để đưa vào khai thác các đường bay tới các nước châu Á và châu Âu.

Trong thông cáo mới nhất, Vietnam Airlines cho hay, từ ngày 01/4 đến 30/6/2021, Hãng sẽ mở rộng kế hoạch khai thác thường lệ đến 4 đường bay quốc tế gồm: Hà Nội - Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội - Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney và TP. HCM - Sydney (Australia). Ngoài ra, Hãng cũng dự kiến triển khai các chuyến bay trọn gói từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, việc thực hiện những chuyến bay này còn phụ thuộc vào việc cấp phép của các cơ quan chức năng.

Cần cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ

Đánh giá về chủ trương nối lại đường bay quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cần làm ngay, nếu làm muộn sẽ mất đi cơ hội. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, sau hơn một năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động giao thương trên thế giới bị ngừng trệ. Hiện nhiều nước đã đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”, vì vậy, Việt Nam cũng phải bắt tay vào làm ngay nếu không sẽ bỏ qua cơ hội này. “Nếu có quy trình cụ thể, sự phối hợp trong việc mở lại đường bay quốc tế, tổ chức du lịch cho khách bay quốc tế đã có "hộ chiếu vắc-xin" và quản lý phòng chống dịch, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta hồi phục phát triển kinh tế” - ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, một số ý kiến khác nhận định, việc dần mở lại đường bay quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Vì vậy, Việt Nam chỉ nên công nhận "hộ chiếu vắc-xin" của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vắc-xin Covid-19 một cách chặt chẽ. Nghĩa là phải đảm bảo chính xác, an toàn, dù có “hộ chiếu vắc-xin” thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc. Đặc biệt, thời gian đầu, Việt Nam nên mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể; hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách... Mặt khác, người dân ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần được tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa có điều kiện tiêm cho tất cả thì ưu tiên những người phục vụ trong ngành du lịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin, Bộ Y tế đang làm việc với các Bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, báo cáo Chính phủ để vừa đảm bảo an toàn cho người dân vừa mở cửa nền kinh tế bằng việc mở lại các đường bay quốc tế. Bộ Y tế đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định. Bộ cũng đang chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” trong tương lai. Tuy nhiên, đây vẫn là các phương án cần phải bàn bạc kỹ lưỡng để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. "Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế, còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Do đó, đây là việc chúng ta cần phải nghiên cứu thêm" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

LÊ HÒA