Khi lan đột biến bị thổi giá và sốt ảo

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:10, 08/04/2021

(BKTO) - Thời gian gần đây, cơn sốt lan đột biến dần định hình và lan tỏa, với nhiều thương vụ diễn ra liên tục, được thông tin rầm rộ trên mạng hoặc công khai trong cộng đồng người chơi lan ở nhiều tỉnh trên phạm vi cả nước.


Đối tượng giao dịch là các loại lan đột biến khá đa dạng. Khối lượng giao dịch thật gọn nhẹ, có thể theo giò lan, hoặc theo kie (mầm cây con được tách ra từ cây mẹ) được đo bằng centimet, nhưng giá trị các giao dịch thì thật “khủng giật mình”, tới hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng… chỉ với lý do vì lan đẹp và hiếm hoi?

Trên thực tế, có những bức tranh hàng triệu đô, những cổ vật hàng chục triệu đô, nhưng vì đó là sản phẩm duy nhất và không thể nhân ra các phiên bản khác với giá trị như nhau, bởi tính duy nhất, đơn chiếc cao của chúng. Trong khi đó, giá lan đột biến thì không thể cao kéo dài vì có thể được nhân bội và trở nên phổ biến sau thời gian ngắn, với giá thành của việc nhân giống này là rất rẻ, nếu cuộc đua nhân giống bằng công nghệ sinh học nuôi cấy mô (Invitro) thực sự diễn ra, khi các nhà sinh học tham gia vào cuộc chơi…

Như vậy, hiện tượng đột biến trong thiên nhiên là bình thường và lan đột biến sẽ sớm trở thành lan thường. Việc đầu tư lan đột biến do tin theo cơn sốt trên mạng xã hội có thể khiến nhà đầu tư đối diện với những rủi ro cao do vỡ bong bóng lan trên thị trường, tức tình trạng tăng mạnh tổng cung và bán tháo lan, giảm đột ngột thẳng đứng về giá và cả lượng cầu có khả năng thanh toán… Từ đó, kéo theo các hệ lụy nặng nề về vỡ nợ, tranh chấp và xử lý tranh chấp tài chính, tức người đầu tư mất khả năng thanh toán và rơi vào bẫy nợ các khoản vay.

Ngoài ra, người mua lan còn có thể gặp rủi ro liên quan đến tình trạng thoái hóa lan đột biến về mặt sinh học (đột biến không ổn định về di truyền) hoặc bị sâu bệnh hại, nếu nhân giống bằng kie (mầm cây); thậm chí, họ có thể bị mua phải lan đột biến giả, được chế tạo theo công nghệ “cắt dán” tinh vi của người bán có chủ đích lừa đảo trên thị trường… Thực tế cho thấy, sự di truyền không ổn định của lan đột biến và sự cả tin vào cam kết bảo hành chất lượng của người bán đã khiến nhà đầu tư gặp rủi ro khi bị yêu cầu phải đền bù cho cây lan đã bán nở sai mặt hoa cho khách hàng phái sinh…

Sự phát triển của mạng xã hội và thiếu hụt cơ chế quản lý thông tin hiệu quả là môi trường tốt để những kẻ trục lợi bày ra và phát tán các chiêu trò “đánh trận giả” về các thương vụ giao dịch lan đột biến, tạo thông điệp giả về cơ hội đổi đời từ kinh doanh lan đột biến; từ đó tạo ra các lượng cầu ảo và gây các cơn sốt ảo trên thị trường trong nước.

Thực tế thế giới và trong nước đã, đang và sẽ còn ghi nhận nhiều loại hàng hóa được thổi giá mạnh mẽ và gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư và cả xã hội khi vỡ bong bóng, như vụ khủng hoảng vỡ bong bóng hoa tuylip ở Hà Lan thế kỷ trước khiến giá hoa tuylip tụt dốc từ hàng triệu USD xuống chỉ còn 1 USD/cây; cuộc khủng hoảng vỡ bong bóng bất động sản ở Thái Lan năm 1997 và ở Mỹ năm 2008 gây mất giá bất động sản thị trường trên 50%; nhiều cơn sốt giao dịch tiền ảo (như ponzi) và một số mặt hàng sức khỏe khác cũng là những minh chứng. Ngay ở Việt Nam đã từng có trào lưu đầu tư chứng khoán, bất động sản, trồng cây sanh, nuôi nhím, chó cảnh… đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay. Tất cả còn giữ nguyên giá trị cảnh báo cao cho hiện tại và cả tương lai.

Lan đột biến nếu được tổ chức kinh doanh bài bản, xây dựng thành sản phẩm xuất khẩu mới, có thương hiệu và chất lượng cao, ổn định thì tốt, vì khi đó, kỳ vọng có thể mở rộng danh mục xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập và củng cố thương hiệu Việt Nam ở thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, cây lan đột biến chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một giống lan chính thức được lưu hành trên thị trường. Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có công văn gửi tới lãnh đạo hội sinh vật cảnh các địa phương về việc khuyến cáo mua bán lan đột biến. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã có cảnh báo rằng nhiều hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây không có thật, chủ yếu là giao dịch ảo, cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo”, là chiêu trò “đánh trận giả”, đánh bóng tên tuổi của các đối tượng tham gia giao dịch, kích thích và trục lợi nếu nhiều người cả tin tham gia vào cuộc chơi thị trường này.

Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chủ động vào cuộc theo chức năng phân công, tăng cường rà soát các quy định và phối hợp quản lý thị trường bảo đảm sự canh tranh lành mạnh và hoạt động minh bạch, công khai của thị trường, ngăn chặn các thông tin về giao dịch giả, gây nhiễu loạn thông tin thị trường và trục lợi tình trạng đó; rà soát các quy định về quản lý thuế để bảo đảm nghĩa vụ thuế nếu có giao dịch thật và ngăn chặn các giao dịch ảo; nhận diện và cảnh báo, có giải pháp thích ứng xử lý rủi ro cho thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm sự ổn định tài chính, trật tự xã hội.

Những người chơi lan và kinh doanh lan cần tỉnh táo, có kinh nghiệm, kiến thức, thông tin, bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường. Lan đột biến không phải là cuộc săn tìm cơ hội đổi đời dễ dàng, đừng để lòng ham lời và cả tin dễ dãi dẫn dắt mình mù quáng vào kinh doanh lan đột biến, bất chấp rủi ro, sẵn sàng vay tiền “đánh nhanh, rút nhanh”, kiểu “lướt sóng”, vô tình hay cố tình tự biến mình thành nạn nhân hoặc đồng phạm của các chiêu trò thổi giá, các cơn sốt ảo đậm mùi lừa đảo trên thương trường…!

TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế