Kiểm soát rủi ro, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:35, 17/04/2021
(BKTO) - Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức ngày 15/4, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi Hội thảo “Thương mại điện tử và những vấn đề pháp lý quan trọng” trong khuôn khổ Chương trình Hội chợ quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO lần thứ 30. |
Thương mại điện tử mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp...
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của VCCI, cho biết “cách mạng công nghiệp 4.0”, “kinh tế số”, “thương mại điện tử” là một trong những từ khóa nóng nhất của năm 2021. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, DN đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội,... để tiết kiệm thời gian, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây là cơ hội để thúc đẩy công nghệ thông tin số hóa trên tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, học tập, thương mại điện tử (TMĐT... khiến cho dòng chảy kinh tế không bị gián đoạn.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCCI phát biểu khai mạc. |
Theo ông Phạm Ngọc Vinh - Trưởng phòng Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT tại Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc lên đến 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4.9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước; 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. So với khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á. Với những thống kê ấn tượng này, có thể thấy, hoạt động giao dịch trên sàn TMĐT đã và đang diễn ra rất sôi động, phát triển vô cùng nhanh chóng.
Đưa ra nhận định đầy tích cực về sự phát triển của ngành TMĐT thời gian vừa qua, ông Phạm Ngọc Vinh cho biết, đến năm 2025, sẽ có 55% dân số Việt Nam tham gia TMĐT. Việc hàng loạt các sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho DN, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn, bằng chứng là lượng truy cập mua sắm trên sàn TMĐT tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với con số 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Ông Phạm Ngọc Vinh - Trưởng phòng Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định đầy tích cực về sự phát triển của ngành thương mại điện tử. |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuật - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ cho biết, đã có 10 triệu sản phẩm được bán trên sàn TMĐT Sendo, cùng với đó là 3 tỷ lượt truy cập, 55 triệu đơn hàng, 150 triệu người dùng ghi nhận trong năm 2020. Rõ ràng, TMĐT đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới khi giúp DN kết nối với đa dạng khách hàng, đối tác, tăng doanh thu, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng một cách đáng kể.
Cùng với xu hướng phát triển của kỷ nguyên kinh tế số, việc hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra nhiều cơ hội cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như trước kia, các FTA không có những điều khoản cụ thể về TMĐT thì giờ đây, lĩnh vực này đã thành một khía cạnh mới được quan tâm trong các hiệp định.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) -có thể kể đến trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có các chính sách chung như: Cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu đối với truyền dẫn điện tử; cam kết không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kinh tế số tương tự nhau; các cam kết liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng; cam kết tôn trọng tự do của các chủ thể tham gia TMĐT,...
Trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có quy định không áp dụng các loại thuế hải quan đối với giao dịch điện tử. Đồng thời cũng cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong TMĐT. Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã có quy định nhằm thuận lợi hóa thương mại và ban hành quy định bảo vệ người tiêu dùng để ngăn chặn gian lận, lừa đảo trên TMĐT.
...song cũng không ít rủi ro
TMĐT đã và đang mang thêm nhiều cơ hội cho DN nhỏ và vừa (DNNVV) thúc đẩy doanh số, tăng tốc quá trình tiếp thị và tiết kiệm chi phí giao dịch tổng thể. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hoạt động TMĐT còn mới mẻ, đa dạng nên tiềm ẩn các rủi ro mà DN cần nhận biết và phòng ngừa các rủi ro đó.
Cụ thể, sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp/người bán, đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn của mình. Nhà cung cấp sẽ chịu rủi ro khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng; rủi ro về vấn đề thanh toán, quảng cáo, khuyến mại. Còn người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ về lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng; rủi ro trong vấn đề thanh toán; thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp, DN cung cấp hàng hóa để khiếu nại khi việc giao nhận, hủy đơn hàng không đúng theo cam kết ban đầu,...
Ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng: "Với tốc độ phát triển nhanh và lợi ích của thương mại điện tử mang lại là không phủ nhận, nhưng cũng có nhiều rủi ro trục trặc xảy ra. Do đó, phải ứng xử chính sách ra sao, khung pháp lý như thế nào cho phù hợp ".
Theo ông Đạt, muốn phát triển hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT thì việc cần làm là phải giảm được chi phí và các rủi ro trong lĩnh vực này. Đó mới là cách thức để khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia ngày càng sâu và mạnh mẽ hơn của các thương nhân trên sàn TMĐT; góp phần không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Khánh Linh