Cần giải pháp để chống thất thu ngân sách nhà nước

Đối nội - Ngày đăng : 11:00, 22/06/2017

(BKTO) - Thẳng thắn chỉ ra việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán NSNN vẫn tồn tại nhiều yếu kém, xảy ra ở nhiều Bộ, ngành và địa phương, tại phiên thảo luận về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân của những yếu kém để có giải pháp khắc phục hiệu quả trong quản lý, điều hành ngân sách thời gian tới, đặc biệt là việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán.


Chấn chỉnh công tác thungân sách

Đánh giá về công tác thu NSNN, nhiều đại biểu có chung quan điểm cho rằng, việc tăng thu chưa bền vững và công tác thu còn bộc lộ nhiều bất cập. Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) phân tích, thu NSNN tăng hơn 87 nghìn tỷ đồng so với dự toán thu nhưng lại tăng chủ yếu từ ngân sách địa phương là 83.700 tỷ đồng. Việc tăng thu chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất - một nguồn thu không ổn định và không phản ánh nội lực phát triển của nền kinh tế. “Tình trạng này đã xảy ra suốt một giai đoạn dài từ năm 2011-2015. Nguyên nhân của vấn đề trên theo Báo cáo kiểm toán của KTNN là do một số địa phương khi lập dự toán thu đã ước tính thực hiện năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu trên địa bàn” - đại biểu nêu rõ.


Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Chung quan điểm, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra thực tế, “điệp khúc” tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn vượt dự toán thể hiện thu NSNN có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng các biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu, như khai thác thêm tài nguyên dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn nhà nước, thu nợ đọng thuế... “Đây là vấn đề Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì muốn cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững. Để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi trong khả năng của nền kinh tế và vay theo khả năng trả nợ” - đại biểu Hàm lưu ý.

Một hạn chế khác trong công tác thu ngân sách được các đại biểu chỉ ra là tình trạng nợ thuế, trốn thuế chưa được kiểm soát hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) băn khoăn: Có vấn đề gì trong việc dự toán thu không? Đặc biệt là việc tăng thu đột biến, có những khoản thu tăng tới 121% so với dự toán. Ở đây có đặt vấn đề về năng lực lập dự toán thu không sát hay còn nguyên nhân nào khác? Đại biểu cho rằng, phương pháp thu ngân sách, đặc biệt thu thuế chưa sát và còn bỏ lọt các khoản thu; việc quản lý các nguồn thu chưa chặt chẽ, gây thất thu thuế.

Dẫn con số, tính đến 31/12/2015 số nợ thuế là 79.276 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2014 và nợ xấu cũng rất lớn, đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, “KTNN thông qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu 11.365 tỷ đồng. Tôi cho rằng, nếu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống nợ đọng thuế thì số thực thu NSNN còn cao hơn”.

Cần xử lý nghiêm các vi phạm

Từ phân tích thực tế, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng, những bất cập trong công tác quản lý, điều hành ngân sách diễn ra kéo dài trong nhiều năm là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21 năm 2016 về điều chỉnh dự toán và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014 giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2015. Năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị về thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ còn rất chung chung. Do vậy, đại biểu Diến và một số đại biểu khác kiến nghị Chính phủ phải có một báo cáo riêng về nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục. Đại biểu Hoàng Quang Hàm thì đề nghị Chính phủ cần có một nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội và giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm.

Cùng với đó, đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần thực hiện nghiêm túc kết luận và kiến nghị của KTNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính. Tăng tỷ lệ thực hiện các kiến nghị về hủy bỏ hoàn thiện các văn bản, chính sách không còn phù hợp, mâu thuẫn, không có nguồn lực thực hiện như kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Nhấn mạnh vai trò của Báo cáo kiểm toán, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng, mặc dù phạm vi kiểm toán chưa được thực hiện hết tại các đơn vị sử dụng ngân sách nhưng hoạt động kiểm toán có tác dụng tốt, cung cấp thông tin cho Quốc hội một cách khách quan, tin cậy để xem xét phê duyệt quyết toán NSNN. Đại biểu đề nghị Quốc hội phê duyệt quyết toán NSNN năm 2015 nhưng cần ra nghị quyết để các cơ quan hữu quan của Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các nguồn thu - chi NSNN, báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Quốc hội quyết toán NSNN năm sau, đồng thời công khai vấn đề xử lý cá nhân, đơn vị trong kiến nghị kiểm toán.

NGUYỄN HỒNG