Kiểm toán hoạt động đối với các chính sách công: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:00, 20/06/2017
(BKTO) - Chia sẻ kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động (KTHĐ), bà Wang Hong - Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu kiểm toán, KTNN Trung Quốc - cho rằng, quản lý nhà nước và KTHĐ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. KTHĐ là loại hình kiểm toán giúp cơ quan KTNN tham gia vào quá trình giám sát việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ. Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng ta cần có cách nhìn mới về KTHĐ đối với các chính sách công.
Quy trình KTHĐcác chính sách công
Để thúc đẩy hiệu quả quản lý và điều hành của Chính phủ, cơ quan kiểm toán phải đánh giá được một cách cụ thể, chính xác các chính sách, trong đó bao gồm cả chính sách vĩ mô và vi mô; từ đó đưa ra những kết luận, kiến nghị đối với Chính phủ.
Việc thực hiện KTHĐ đối với các chính sách của Chính phủ bao gồm nhiều giai đoạn: đánh giá trước khi hoạch định chính sách, đánh giá trong quá trình thực hiện chính sách và sau khi thực hiện chính sách. Trong đó, vai trò của cơ quan kiểm toán trước khi hoạch định chính sách rất quan trọng. Đánh giá trước khi hoạch định chính sách tức là dự đoán tính khả thi, tương lai, hướng phát triển của chính sách. Đây là công tác kiểm toán phức tạp, đòi hỏi kiểm toán viên phải chuẩn bị tri thức, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Khi tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, kiểm toán viên phải xem xét sự phù hợp của chính sách đó với các quy định khác của nhà nước. Cùng với đó, kiểm toán viên cần lưu tâm một số vấn đề. Đó là, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo có trưng cầu ý kiến của người dân hay không? Chính sách được xây dựng có đảm bảo tính dân chủ, công bằng và khoa học? Hơn nữa, trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên phải biết phán đoán chính sách, phát hiện xem chính sách đúng hay sai, tốt hay xấu, qua đó đưa ra những kiến nghị giúp ích cho việc định hướng, xây dựng chính sách.
Chuyên gia Wang Hong - KTNN Trung Quốc. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Sau khi triển khai chính sách, KTNN cũng cần có đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện. Đánh giá sau khi thực hiện chính sách là công tác thường xuyên, đòi hỏi các kiểm toán viên phải nâng cao trình độ để đưa ra kết luận, kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
KTHĐ đóng vai tròquan trọng trong quản lý nhà nước
Thực tiễn hoạt động của KTNN Trung Quốc và nhiều quốc gia phương Tây cho thấy, kiểm toán chính sách công luôn gắn liền với kiểm toán quy hoạch chiến lược phát triển chung của quốc gia. Hoạt động kiểm toán phải có những đóng góp nhất định vào quy trình soạn thảo, xây dựng nội dung thực hiện quy hoạch. Việc phân tích, đánh giá của cơ quan kiểm toán phải góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi của quy hoạch. Điều này có ý nghĩa thiết thực đối với công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là vấn đề mà KTNN Việt Nam nên lưu ý trong tương lai.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chúng ta cần chú trọng thực hiện KTHĐ trong lĩnh vực tài chính. Khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần quan tâm tới mối quan hệ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhìn nhận ảnh hưởng của hai chính sách này đối với sự phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng xem chính sách của Chính phủ nên đi theo hướng nào trong tương lai. Chúng ta cũng cần lưu ý khảo sát, đánh giá quy mô, kết cấu thu, chi tài chính, xu hướng phân phối tài chính của bộ máy nhà nước. Bởi thu, chi ngân sách liên hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển quốc gia, là thước đo để đánh giá sự đúng sai, phù hợp của chiến lược này. Việc phân tích, đánh giá đúng bản chất của chính sách thông qua hoạt động kiểm toán sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những thành tựu nổi bật của KTHĐ trong quản lý nhà nước như: phát huy tính tích cực của phương thức kiểm soát vĩ mô, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng cũng như trách nhiệm giải trình. Bởi vậy, để thực hiện tốt KTHĐ đối với các chính sách công, trước hết, cơ quan KTNN phải xây dựng được đội ngũ kiểm toán viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Các kiểm toán viên phải có năng lực tư duy sắc bén, không ngừng nỗ lực phấn đấu để làm phong phú, đa dạng, vững chắc vốn lý luận và kiến thức, tạo nền tảng cho việc phân tích, đánh giá các chính sách công. Điều quan trọng nữa là kiểm toán viên phải biết vận dụng linh hoạt các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn hoạt động để phát huy tốt vai trò của mình trong việc xây dựng, hoạch định chính sách.
THÀNH ĐỨC (Lược ghi)
Chuyên gia WANG Hong - Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu kiểm toán, KTNN Trung Quốc