Trụ cột phát triển cho ngành năng lượng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:45, 08/12/2016

(BKTO) - Biến đổi khíhậu đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách đối với nhân loại trong việc hạn chếsử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việc đầu tư sản xuất điện phụ thuộc vàothan là đi ngược lại xu hướng thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng năng lượnghiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo mới chính là trụ cột cho phát triển ngành năng lượng của Việt Nam.


Có nên tăng tỷ trọng nhiệt điện than?

Trong 5 năm qua, tỷ trọng điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đã tăng lên gấp đôi, từ 17% năm 2010 lên 34% năm 2015, và dự kiến đến năm 2025 sẽ chiếm tới 55% tổng nguồn điện của cả nước. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam đang xếp thứ 20 toàn cầu về sử dụng nhiệt điện than với công suất phát điện khoảng 14GW. Ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ đốt một lượng than gấp 15 lần so với 2012 và trở thành quốc gia đứng thứ 8 thế giới về sử dụng than để sản xuất điện năng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhập khẩu than sẽ tăng từ 1,3 triệu tấn năm 2015 lên 64 triệu tấn năm 2020 và 155 triệu tấn năm 2030 cho các nhà máy nhiệt điện.

2/3 lượng than dành cho sản xuất điện phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Ảnh: TS
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, việc tăng sản xuất điện từ đốt than cũng gây ra tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, nếu 2/3 lượng than cho sản xuất điện phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu sẽ dẫn đến mất tự chủ về kinh tế và đe dọa đến an ninh năng lượng. Theo tính toán, tổng đầu tư cho cơ sở hạ tầng để nhập khẩu than sẽ là hơn 109.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 và khoảng 373.000 tỷ đồng từ năm 2021-2030. Chưa kể đến những chi phí ngân sách phải bỏ ra để cải thiện và duy trì hạ tầng giao thông vận tải, các chi phí vận chuyển bốc dỡ hàng nghìn tấn than.

Bên cạnh đó, phát triển nhiệt điện than đồng nghĩa với việc phải đối mặt với vấn đề hóc búa là bảo vệ môi trường. Các nhà máy nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Báo cáo của nhóm chuyên gia của Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng điện than là nguyên nhân của 4.300 ca chết yểu năm 2011 tại Việt Nam, đồng thời dự báo rằng con số này sẽ tăng lên 21.100 ca nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII được đưa vào vận hành.

Công nghệ liệu có phải là giải pháp?

Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã nêu các giải pháp về giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than, trong đó có khuyến khích sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại. Nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy, những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người không thể giải quyết triệt để bằng các công nghệ tiên tiến hiện đại. Báo cáo mới đây của Tổ chức Kiko Network (Nhật Bản) tại Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 22) đã chỉ ra thất bại trên toàn cầu của công nghệ điện than hiện đại nhất hiện nay - Chu trình hỗn hợp khí hóa phát điện (IGCC). Công nghệ này đang được sử dụng ở những nhà máy rất lớn trên thế giới. Báo cáo cho thấy, công nghệ này chỉ có thể giảm tối đa 20% lượng phát thải, nhưng lại có chi phí cao hơn 35% so với công nghệ truyền thống, đồng thời rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Như vậy, giải pháp về áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa với việc nhiệt điện than sẽ không còn là loại hình sản xuất điện rẻ. Trên thế giới, từ năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia cũng đã giảm dần hoặc chấm dứt phát triển các nhà máy nhiệt điện than như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Phần Lan, Canada, Hà Lan, Úc, Đan Mạch...

Với những nhược điểm khó khắc phục kể trên, theo Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) cho rằng giải pháp tối ưu, hiệu quả và rẻ nhất cho Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo. Theo Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, Việt Nam có thể giảm được 208 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII nếu có những biện pháp quản lý hiệu quả năng lượng, kết hợp với các dự báo nhu cầu năng lượng sát thực tế. Giải pháp này đồng thời giúp tiết kiệm tới 45 - 50 tỷ USD dành cho việc xây dựng các nhà máy điện mới. Bên cạnh đó là tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo từ mặt trời, sinh khối và gió... với công suất ước tính 37.818 MW, gần tương đương với công suất hiện tại của hệ thống điện quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
LONG HOÀNG