SAI Pakistan đo hiệu quả hoạt động theo chuẩn quốc tế
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:00, 20/06/2017
(BKTO) - Với việc áp dụng Khung đo lường hoạt động (PMF) do Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) xây dựng và ban hành từ ngày 20/5 vừa qua, Pakistan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Nam Á bắt đầu triển khai việc thực hiện đo lường hiệu quả hoạt động của KTNN Pakistan (DAGP) theo các chuẩn mực quốc tế.
PMF - công cụ đo lường hoạt động của các SAI
Theo các thông lệ quốc tế, Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cần phải cho người dân thấy rõ những tiến bộ hiện tại và dự kiến trong các hoạt động chính, qua đó thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người dân. Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc với các mục tiêu phát triển đòi hỏi phải có cái nhìn thấu đáo về năng lực của các SAI. Bởi vậy, PMF ra đời và được coi là công cụ đánh giá mang tính tự nguyện để đo lường, giám sát, quản lý và báo cáo về hoạt động của các SAI.
Đoàn KTNN Pakistan tham dự Hội thảo do World Bank tổ chức hôm 18/5/2017.Ảnh: ST
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, DAGP đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) khởi động quá trình tự đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức. Ngày 18/5, WB đã tổ chức Hội thảo nhằm xem xét mức độ thành công trong quá trình thực hiện tuân thủ các chuẩn mực quốc tế của SAI Pakistan. Tại đây, đại diện DAGP đã chia sẻ những thách thức mà SAI phải đối mặt trong quá trình xây dựng, phát triển các chiến lược theo hướng tuân thủ một cách có hiệu quả Hệ thống các chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI). Bên cạnh đó, các đại biểu của DAGP cũng đã được hướng dẫn việc tự đánh giá theo danh mục kiểm tra - đây được coi là bước đầu tiên để tiếp cận PMF.
Lợi ích từ đánh giá chéo
Với việc áp dụng PMF, SAI Pakistan sẽ không chỉ đo lường hiệu quả hoạt động của riêng tổ chức mình mà còn có thể tham gia vào các cuộc đánh giá chéo và đánh giá bên ngoài với các SAI khác. Đáng lưu ý, các cuộc đánh giá chéo (cuộc đánh giá đối với một SAI do một hay nhiều SAI đối tác thực hiện, nhằm đảm bảo SAI được đánh giá tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp áp dụng, luật và các quy định của quốc gia về công tác kiểm toán) cũng là cơ sở để xây dựng một cách chi tiết kế hoạch phát triển chiến lược của SAI. Việc đánh giá này giúp mang lại nhận thức sâu sắc hơn về các quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện.
Cùng với đó, những khuyến nghị đưa ra trong các báo cáo đánh giá chéo và đánh giá độc lập sẽ giúp các SAI xác định xem việc quản lý của tổ chức có đi đúng hướng hay không, đồng thời hỗ trợ việc tham vấn cho lãnh đạo về cách thức tinh giản, chọn lọc phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác kiểm toán.
Tiểu ban 3 thuộc Ủy ban Xây dựng năng lực của INTOSAI khuyến khích các SAI thực hiện những cuộc đánh giá chéo tự nguyện. Bởi, đánh giá chéo là một biện pháp tăng cường năng lực mới, đang ngày càng được nhiều SAI tiên tiến áp dụng. Hơn 30 SAI đã tham gia vào ít nhất một cuộc đánh giá chéo. Từ năm 1999 đến nay, hơn 24 dự án đánh giá chéo đã được thực hiện thành công. Hiệu quả mà đánh giá chéo mang lại cho các SAI đã được khẳng định rộng rãi trong cộng đồng INTOSAI. Các cuộc đánh giá chéo giúp các SAI thực hiện công việc kiểm toán theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Khuyến nghị trên là minh chứng để góp phần khẳng định sự đo lường hiệu quả hoạt động của SAI Pakistan thông qua việc áp dụng PMF sẽ góp phần thúc đẩy giá trị và lợi ích, từ đó tăng cường độ tin cậy của người dân với SAI. “Các kết quả đầu ra của việc thực hiện PMF sẽ được chia sẻ với tất cả các bên liên quan, trong đó bao gồm cả người dân. Thông qua áp dụng PMF, SAI Pakistan cũng gián tiếp nâng cao nhận thức của người dân về công tác và vai trò của cơ quan kiểm toán này”- người phát ngôn của SAI Pakistan cho biết.
NGỌC QUỲNH
(Nguồn: The Nation và PakWired)