Hoa Kỳ giúp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng của Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 16:20, 08/05/2021

(BKTO) - Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổng kết dự án Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ sau 5 năm thực hiện.


Thông qua dự án V-LEEP, USAID phối hợp với Chính phủ Việt Nam đã hợp tác nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
                
   

USAID hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nguồn:USAID

   

USAID cho biết, Chính phủ Việt Nam đang ngày càng nhận thấy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Việt Nam đã đặt ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo lên 6,5% vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030. Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra chỉ tiêu đối với các doanh nghiệp về giảm 10% mức tiêu thụ điện năng vào năm 2020.

Dự án V-LEEP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai một khung chính sách nhằm giúp đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này. Dự án cũng hợp tác với khu vực tư nhân nhằm phát triển các giải pháp năng lượng sạch và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đó, Dự án V-LEEP đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư.

Trong 3 năm qua, nhờ các dự án năng lượng tái tạo này cùng với năng lượng tiết kiệm được thông qua các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, dự án đã góp phần giảm phát thải khoảng 730.000 tấn khí nhà kính, tương đương 365.482.807 kg than.                
   

Dự án điện gió được hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ Dự án V-LEEP. Nguồn: USAID

   

Dự án cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam và xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII;xây dựng các Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) nhằm giảm tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục góp phần thúc đẩy các mục tiêu hiệu quả năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.

Đồng thời hỗ trợ việc xây dựng chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sau khi có phê duyệt cuối cùng, cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân (như Nike, AB InBev, Adidas) hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió mới, gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trong 5 năm tới, dự án V-LEEP II sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo và dựa vào thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu quả ngành năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực này./.

DIỆU THIỆN