KIỂM TOÁN Hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Thủy lợi Phước Hòa - Kỳ I: Dự án đảm bảo quy hoạch, mục tiêu đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:00, 15/06/2017

(BKTO) - Thực hiện kiểm toán Dự án Thủy lợi Phước Hòa (trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước - gọi tắt là Dự án) từ khi triển khai đến thời điểm 31/12/2014, mặc dù tại thời điểm kiểm toán (tháng 4-6/2015), Dự án chưa hoàn thành song theo đánh giá của KTNN, chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án và các đơn vị có liên quan đã có nhiều cố gắng trong triển khai đầu tư và xây dựng, quản lý, điều hành thực hiện Dự án. Dự án bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế nhờ đấu thầu cạnh tranh cao, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo quy hoạch và mục đích đầu tư.


Dự án gắn với quy hoạchphát triển kinh tế - xã hộiđịa phương

Dự án Thủy lợi Phước Hòa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư và được phê duyệt từ tháng 8/2012, trong đó Bộ NN&PTNT ủy quyền cho UBND các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bình Phước, TP. HCM quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện và quyết toán đối với hợp phần đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Dự án có 8 đơn vị đại diện chủ đầu tư, trong đó Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 là đơn vị trực tiếp quản lý Dự án.


Dự án thủy lợi Phước Hòa cơ bản chấp hành các quy định về quản lý chất lượng công trình. Ảnh: TS

Là công trình quy mô nhóm A, Dự án có tổng mức đầu tư là 7,022 nghìn tỷ đồng (2 giai đoạn) từ nguồn vốn NSNN, nguồn vốn ngoài nước (ADB, AFD) và nguồn vốn khác. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm lấy nước từ Sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP. HCM sử dụng vào các mục đích dân sinh, kinh tế, cải thiện môi trường.

Kết quả kiểm toán cho thấy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình; thực hiện đúng các yêu cầu của Hiệp định vay ký kết với nhà tài trợ. Dự án được lập, thực hiện đúng mục đích đầu tư. Thiết kế cơ sở của Dự án phù hợp với quy hoạch và mục tiêu đầu tư được phê duyệt, tuân thủ quy hoạch thủy lợi và quy hoạch phát triển kinh tế - hội của địa phương, gắn với nội dung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, công tác lập và thẩm định Dự án được thực hiện theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Đơn vị thực hiện lập Dự án và tổng mức đầu tư trên cơ sở chi phí đầu tư của các hạng mục được xác định theo thiết kế cơ sở của Dự án, với đầy đủ hạng mục chi phí đúng quy định. Thiết kế, dự toán lựa chọn vật tư, vật liệu hợp lý, áp dụng phù hợp với các chế độ chính sách (đơn giá, định mức…) của Nhà nước trong tính toán chi phí xây lắp, đảm bảo tính kinh tế.

Hiệu quả kinh tế từ giải pháp thiết kế và đấu thầu

Đặc biệt, qua thực tế kiểm toán, KTNN đánh giá cao việc lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp trong thực hiện Dự án. Theo đó, giải pháp thiết kế đã lựa chọn tuyến kênh đi qua vùng địa chất tốt, không phải xử lý nền móng kênh; thiết kế hạ thấp cao trình đường bờ kênh dưới cao trình đỉnh tường kênh 0,3-0,4m để giảm khối lượng đất đắp, giúp tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, hệ thống bờ kênh được thiết kế kết hợp nâng các tuyến đường bờ kênh làm đường giao thông nông thôn đã cải thiện hệ thống giao thông nội vùng, phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế vùng Dự án; phục vụ quản lý, vận hành, đảm bảo tính kinh tế và hiệu quả sử dụng.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra rằng, giải pháp thiết kế lợi dụng tối đa địa hình khu vực để tưới tự chảy, giảm diện tích tưới tạo nguồn và tưới động lực đã giúp nâng cao hiệu quả tưới, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu sản xuất của địa phương.

Đến thời điểm kiểm toán, mặc dù Dự án chưa hoàn thành nhưng theo đánh giá của KTNN, các giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống tưới, tiêu sau khi hoàn thành sẽ cung cấp ổn định nguồn nước tưới từ Sông Bé và hồ Dầu Tiếng cho khu vực Dự án; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân, môi trường khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Công tác đấu thầu cũng là một điểm sáng trong Báo cáo kiểm toán Dự án. Cụ thể, việc bố trí vốn đã đáp ứng nhu cầu thực hiện Dự án, hầu như không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhà thầu được lựa chọn đáp ứng được yêu cầu của gói thầu về năng lực thực hiện và tài chính. Chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án và các đơn vị liên quan đã chấp hành các quy định của Nhà nước về chỉ định thầu, đấu thầu và các quy định trong Hiệp định vay. Các gói thầu xây lắp, tư vấn áp dụng các hình thức đấu thầu, chỉ định thầu có tính cạnh tranh cao, góp phần đảm bảo tính kinh tế của Dự án. Qua đấu thầu, chi phí đầu tư đã giảm được 617,7 tỷ đồng (với tỷ lệ giảm giá 16,5%). Các gói thầu xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án có đầy đủ hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật chi tiết, nghiệm thu giai đoạn, tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và được lưu trữ theo quy định.

(Kỳ sau đăng tiếp)

N. HỒNG