Để có thêm những vườn trái ngọt từ xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 10/05/2021
(BKTO) - Liên tiếp những năm gần đây, các đoàn dự thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công với những thành tích chưa từng có trước đó, tiêu biểu là Huy chương Bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2019. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của quá trình hợp tác trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giữa nhà trường và DN. Để nhân lên những thành quả đó, quá trình hợp tác ấy cần phải được mở rộng, chặt chẽ hơn nữa xuyên suốt trong từng khâu, từng cấp độ, hay nói ví von như lời một chuyên gia trong lĩnh vực GDNN: Quá trình từ một cây non đến khi trưởng thành và đơm hoa kết trái đều cần có bàn tay chăm sóc. Bàn tay đó, tất yếu không thể thiếu bóng dáng của cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, DN và sự nỗ lực tự thân của người học.
Những "trái ngọt" đầu mùa
Tại Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2019 diễn ra tại Liên Bang Nga, thí sinh Trương Thế Diệu, Trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội/ Công ty TNHH Denso Việt Nam (được huấn luyện từ chương trình xã hội hóa), thi nghề Phay CNC đã xuất sắc giành Huy chương Bạc - kết quả cao nhất của đoàn Việt Nam sau 7 lần tham dự.
Cũng xin nhắc lại, Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới đến nay là sân chơi duy nhất quy tụ đông đảo các quốc gia, vùng lãnh thổ của 5 châu lục, bao gồm các nước rất hùng mạnh về kỹ thuật, công nghệ như Mỹ, Canada, Brazil, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc,… tham dự. Việc một quốc gia với nền GDNN vốn bị đánh giá là “thấp bé nhẹ cân”, “không có cửa” tại kỳ thi này như Việt Nam lại hiên ngang “vượt mặt” các cường quốc để giành Huy chương Bạc, thì đó thực sự là một kỳ tích. Đó là kỳ tích được viết nên từ những nỗ lực không ngừng của cả một hệ thống, từ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với những chủ trương, quyết sách đúng đắn cho GDNN, đến các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp là Tổng cục GDNN; sự cộng hưởng, trợ giúp của các DN, xã hội...và công đầu, trực tiếp nhất chính là những thí sinh đã mang lại vinh quang cho bản thân, cho Tổ quốc và cho ngành GDNN như Trương Thế Diệu. Với thành tích đạt được, Trương Thế Diệu đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì vào cuối năm 2019, khi mới 22 tuổi. Trương Thế Diệu cũng chính là trường hợp đặc biệt khi trở thành một chuyên gia, dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó làThủ tướng Chính phủ thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trương Thế Diệu tại Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động quốc gia diễn ra năm 2019 |
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù không thể tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới sau năm 2019, do kỳ thi bị hoãn tổ chức để phòng, chống dịch bệnh, song GDNN vẫn chứng kiến những trái ngọt vào mùa. Đó là học sinh Nguyễn Văn Tấn (23 tuổi) quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, hiện học năm 2 ngành cơ điện tử Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, vừa cùng với đồng đội Đinh Tú Ngọc giành Huy chương Vàng cuộc thi Kỹ năng nghề Cơ điện tử online khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước khi giành giải thưởng này, Tấn đã được giải Nhất quốc gia nghề cơ điện tử (năm 2020) và được chọn vào đội tuyển huấn luyện để tham dự kỳ thi kỹ năng nghề thế giới trong thời gian tới.
Đáng nói, trước khi rẽ ngang học nghề, Nguyễn Văn Tấn từng học 2 năm tại một trường đại học khá danh tiếng. “Kết” học nghề vì yêu thích máy móc, công nghệ và để được làm việc trong môi trường thực hành sớm, tiếp xúc sớm với DN nên Tấn đã quyết định theo tiếng gọi của đam mê, đi ngược với mong muốn của gia đình. Giờ đây, Tấn không chỉ chiếm trọn được lòng tin của gia đình, mà cậu còn trở thành tấm gương điển hình cho bao thế hệ học sinh ở quê hương, trước ngã rẽ lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Cần một tiếng nói chung, trách nhiệm của các bên
Sự nỗ lực của bản thân luôn là yếu tố tiên quyết để đi đến thành công và điều đó đúng với trường hợp Trương Thế Diệu, Nguyễn Văn Tấn... Nhưng đó là chưa đủ nếu thiếu sự tham gia của DN, cùng với những kinh nghiệm thực tiễn "thổi" trong từng bài giảng.
Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia cuộc thi tay nghề thế giới 2019, nghề phay CNC, sau đó trở thành người mang lại vinh quang cho Tổ quốc, Diệu phải trải qua môi trường đào tạo khắc nghiệt, dưới sự huấn luyện của các chuyên gia tại Công ty TNHH Denso Việt Nam theo Biên bản ghi nhớ của Công ty với Tổng cục GDNN. Những kết quả trong công tác đào tạo GDNN nói chung, với điển hình là những thí sinh tham dự các kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế, khu vực thời gian qua đều có sự góp sức đào tạo, huấn luyện của DN, như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ kỹ thuật Môi trường Việt, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ/Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II...
Sự tham gia của DN vào quá trình đào tạo GDNN là yếu tố rất quan trọng giúp đưa đến thành công của GDNN |
Từ chương trình huấn luyện, đào tạo, cách thức tổ chức, phương pháp đào tạo chuyên nghiệp, và quan trọng là xuất phát từ thực tế mong muốn của DN đối với người lao động, các tổ chức đã góp phần quan trọng cùng với cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở GDNN làm thay đổi nhận thức, ý thức và kỹ năng nghề cho người học.
“Nhờ sự chung tay của DN, mạng lưới các cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đã và đang thực hiện ngày càng tốt hơn chức đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, từ đó tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các DN đang hình thành thói quen quan tâm, chú trọng đến việc hợp tác với nhà trường từ việc xây dựng chương trình đào tạo; tạo môi trường thực hành, thực tập cho người học và đặc biệt là tiếp nhận người học vào làm việc. Các cơ sở GDNN hiện nay cũng đang từng bước phát huy tính chủ động khi liên hệ, mời DN tham gia vào quá trình hợp tác.” – ông Trương Anh Dũng đánh giá. |
Mở rộng vấn đề, ông Trương Anh Dũng cho biết, từ những kết quả cụ thể vừa qua, cho đến những đánh giá của các cơ quan chức năng, xã hội đang ngày càng nhìn nhận đúng đắn hơn về mối quan hệ hợp tác ba bên là Nhà nước - DN - nhà trường trong việc đào tạo nghề, với trung tâm là người học và hiệu quả rõ rệt của mối quan hệ hợp tác này.
Là một trong những cơ sở GDNN luôn “cháy” chỉ tiêu vì số lượng người đăng ký tham gia học quá lớn, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội còn đưa ra cam kết bằng văn bản: Nếu sinh viên học nghề ra trường không có việc với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng, trường sẽ trả lại học phí. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc còn được tặng xe ô tô. Song, cho đến nay, trường chưa phải trả lại học phí cho trường hợp nào sau khi tốt nghiệp. Điểm tựa của nhà trường, khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ này, đó là từ nhiều năm nay, nhà trường đã hợp tác hiệu quả với các DN trong việc đào tạo, cung cấp nhân lực cho DN.
Trong vai trò quản lý nhà nước, hiện nay Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích DN, trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư, quan tâm phát triển, phát huy hiệu quả của công tác GDNN, tăng cường nguồn lực xã hội cho công tác GDNN, nòng cốt là sự tham gia của DN. Đặc biệt, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 của ngành GDNN cũng xác định quan điểm xuyên suốt là “Đẩy mạnh xã hội hóa, ưu tiên phát triển đào tạo các ngành, nghề theo lĩnh vực, địa bàn mà các cơ sở GDNN ngoài công lập làm được và làm tốt”.
Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng (bên phải ảnh) cùng đại diện DN (bên trái ảnh) trao giấy chứng nhận đào tạo cho giáo viên trường nghề. Đây là nỗ lực hợp tác giữa Tổng cục GDNN với các DN trong đào tạo nghề, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên |
Có thể nói, chưa bao giờ, GDNN hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bứt phá như lúc này. Điểm mấu chốt hiện nay, đó là cần những cái bắt tay thật chặt giữa DN với nhà trường trong đào tạo nghề, sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng để biến những chính sách ưu đãi thành động lực cho DN, để từ đó "ươm" được nhiều nguồn giống tốt, để từ đó tạo nên những vườn trái ngọt - những lao động có kỹ năng nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đối với GDNN.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC