Năm 2021: Tăng trưởng của Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 7%

Kinh tế - Ngày đăng : 14:30, 12/05/2021

(BKTO) - Tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 7% vào năm 2021, nhờ sự hồi phục của sức cầu bên ngoài, nền kinh tế trong nước và năng lực sản xuất tăng lên.


Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo mới phát hành của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+ 3 (AMRO).
                
   

AMRO dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức 7% năm 2021 (Ảnh minh họa) - Nguồn: thoibaonganhang.vn

   

Triển vọng, thách thức song hành

Đánh giá về những triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, AMRO cho biết, sau khi sụt giảm mạnh trong quý II/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu phục hồi trong quý III/2020. Sự phục hồi này diễn ra trên diện rộng.

Hoạt động sản xuất được thúc đẩy nhờ lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh mẽ, được hưởng lợi từ cơ cấu xuất khẩu tương đối linh hoạt của Việt Nam, cũng như sự chuyển hướng thương mại từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, tiêu thụ nội địa cũng đang dần phục hồi. Hơn nữa, sự phục hồi còn được hưởng lợi từ việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại còn 2,9% vào năm 2020 do đại dịch nhưng dự kiến sẽ tăng lên 7% vào năm 2021. Sự phục hồi dự kiến sẽ được củng cố bởi sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài, nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi, dòng vốn FDI chảy vào và năng lực sản xuất tăng lên” - TS. Seung Hyun Luke Hong - chuyên gia tài chính của AMRO cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo nhóm chuyên gia AMRO, còn nhiều rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2021.

Cụ thể, sự phục hồi kéo dài và không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi của sức cầu thế giới. Trong khi nhu cầu trong nước đã tăng lên sau khi ngăn chặn tương đối thành công đại dịch, nó vẫn dễ bị tổn thương do nguy cơ bùng phát thêm các đợt dịch Covid-19 mới.

Hơn nữa, những tác động tiêu cực của đại dịch để lại, chẳng hạn như sự suy yếu của bảng cân đối kế toán của khu vực kinh doanh và tác động lên thị trường lao động và thất nghiệp có thể làm suy yếu triển vọng phục hồi.

Về mặt tài chính, các chuyên gia của AMRO cho biết, rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt là chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bị suy giảm sẽ làm xói mòn vùng đệm vốn tương đối mỏng của nó. Ngoài ra, sự lo lắng về rủi ro cao cũng như những bất ngờ về chính sách ở các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến sự hỗn loạn mới về giá tài sản và dòng vốn.

Cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ

Kiến nghị chính sách cho Việt Nam, AMRO cho rằng, hỗ trợ tài khóa lớn hơn thông qua cả các biện pháp thu và chi có thể cần thiết để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế nếu động lực tăng trưởng suy yếu.

Cũng theo AMRO, hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các hộ gia đình thu nhập thấp vẫn cần được tiếp tục và thường xuyên xem xét sự phù hợp và hiệu quả. Việc tăng cường các chương trình hỗ trợ thông qua việc giải ngân đơn giản hơn và có mục tiêu tốt hơn sẽ tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Chính phủ.

Trong khi đó, với triển vọng lạm phát ổn định, điều cần thiết là chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ phục hồi kinh tế, giữ cho chi phí tài chính ở mức hợp lý cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Với các điều kiện tài chính phù hợp hơn, việc giám sát tăng cường cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro vẫn cần được đảm bảo để giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản. Ngoài ra, việc tăng cường giám sát trong lĩnh vực này là rất quan trọng để bảo vệ chất lượng tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.

Song song với đó, điều cần thiết là Chính phủ phải đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho các vấn đề phát triển dài hạn như: phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, quản lý cẩn thận các rủi ro đối với tính bền vững tài khóa dài hạn./.

THIỆN TRẦN