Tuyên truyền để cử tri tự giác, chủ động đi bầu cử

Đối nội - Ngày đăng : 08:05, 13/05/2021

(BKTO) - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đang đến gần. Với vai trò là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, sự lựa chọn của nhân dân là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả bầu cử. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử thời điểm này là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, tích cực, tự giác đi bầu cử…


Bầu cử là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, trực tiếp lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, thiết thực góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Trong bầu cử, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội chỉ giữ vai trò lãnh đạo, tổ chức triển khai bầu cử chứ không thay thế vai trò của nhân dân thực hiện các quyền bầu cử, bỏ phiếu bầu đại biểu đại diện cho mình. Chính vì vậy, sự lựa chọn của nhân dân là yếu tố duy nhất quyết định kết quả bầu cử. Người dân cần hiểu trách nhiệm bầu cử của mình – một trách nhiệm chính trị quan trọng. Kết quả bầu cử, tỷ lệ người dân tham gia bầu cử sẽ phản ánh rõ ràng nhất ý thức, thái độ của người dân về hệ thống chính trị.

Với tinh thần đó, để bầu cử thực chất và thành công góp phần mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm chủ quyền nhân dân, đáp ứng nhu cầu dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được chú trọng ngay từ giai đoạn trước, trong và sau bầu cử.

Giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh Sơn La mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia yêu cầu các tổ bầu cử cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bầu cử. Các cán bộ phụ trách công tác chuẩn bị bầu cử cần bám sát Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn về bầu cử, tích cực thường xuyên đến với người dân nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần hạn chế tối đa tình trạng bầu hộ, bầu thay; động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

Tại buổi làm việc với huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị về công tác kiểm tra, giám sát bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cũng quán triệt quan điểm, trong giai đoạn nước rút, Uỷ ban Bầu cử huyện cần tiếp tục triển khai thực hiện công tác bầu cử đảm bảo thời gian; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc; tăng cường công tác nắm cơ sở, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử, đặc biệt tránh trường hợp cử tri đi bầu cử thay, bầu cử hộ.

Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền từ nay nay đến ngày bầu cử, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, nhất là tuần lễ sát ngày bầu cử; tăng cường tuyên truyền trực quan (pa nô, khẩu hiệu, băng rôn…) tạo không khí phấn khởi, thể hiện được tinh thần, ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng, ngày hội của toàn dân, để người dân tích cực tham gia bầu cử, đạt tỷ lệ cao.

Các Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng các hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương. Đồng thời, đấu tranh, phản bác mạnh mẽ, hiệu quả với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin xấu độc trên mạng xã hội…

Đ. KHOA