Nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:00, 27/06/2017

(BKTO) - Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị”. Nhận thức rõ điều này, bằng những hành động cụ thể, KTNN đã và đang vững bước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.


Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách,tài sản nhà nước

Điều 3 Luật KTNN 2015 quy định: “Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”.


Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên của KTNN. Ảnh: Đ.SƠN

Theo đó, vai trò trên của KTNN trước hết thể hiện ở việc KTNN cung cấp thông tin và phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình chấp hành dự toán NSNN đã được Quốc hội quyết định. KTNN giúp Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương đúng đối tượng, mục đích, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm cũng như xem xét, phê chuẩn tổng quyết toán NSNN, kiến nghị xuất toán các khoản chi sai chế độ, chính sách điều chỉnh giảm dự toán của các Bộ, ngành trung ương và địa phương.

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về các cơ chế, chính sách tài chính, xây dựng hệ thống luật pháp bảo đảm chặt chẽ, nhất quán, tránh tạo sơ hở cho tham nhũng và lãng phí; kiến nghị chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý tài chính - ngân sách.

Khi thấy có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ yêu cầu cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán và báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật. Từ kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị các đơn vị được kiểm toán sửa chữa những sai sót, vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm chế độ kế toán, tài chính của Nhà nước và các hành vi tham nhũng, lãng phí; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Mặt khác, thông qua việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả của việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công, KTNN không chỉ kiểm tra, xác định tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của các số liệu, tài liệu kế toán mà còn kiến nghị sử dụng nguồn lực thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra hoặc cao hơn. Đồng thời, bằng thực tiễn kiểm toán, KTNN có thể phát hiện kịp thời các hạn chế và bất cập của các văn bản pháp luật, đề xuất loại bỏ những văn bản lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn và kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý bảo đảm chặt chẽ và có tính khả thi cao.

Công cụ ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi tham nhũng

Rõ ràng, nếu thực hiện tốt quy định của Luật KTNN thì KTNN sẽ trở thành công cụ quan trọng giúp Quốc hội, Chính phủ phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi mọi hành vi tham nhũng, lãng phí tiền và tài sản nhà nước, sớm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý và sử dụng NSNN.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán, góp phần phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, trước hết, cần củng cố và phát triển KTNN trở thành công cụ quan trọng trong việc đánh giá tính trung thực, khách quan, tính tuân thủ pháp luật, tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. KTNN phải là cơ sở cung cấp thông tin tin cậy phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát tài chính, chỉ ra những đơn vị và cá nhân vi phạm chế độ quản lý tài chính - ngân sách và các hành vi tham nhũng, trục lợi, lãng phí, thất thoát tiền và tài sản nhà nước. Khi kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách, KTNN phải loại trừ các khoản chi tiêu trái quy định của pháp luật, thanh quyết toán sai quy định, rút tiền công để lập quỹ đen, lạm dụng phương tiện tài sản công vào mục đích tư.

Hai là, KTNN cần xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN để bao quát các hoạt động kiểm toán, làm rõ các nội dung về kiểm toán nhằm mục tiêu phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; đồng thời xây dựng các biện pháp có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng và kiên quyết hơn với các hành vi lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.

Ba là, phát triển KTNN thực sự trở thành trung tâm kiểm tra tài chính nhà nước có uy tín, trách nhiệm và đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tài chính nhà nước và tài sản công. Đội ngũ kiểm toán viên phải nâng cao cả về lượng và chất, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài là kiểm toán Báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tính hiệu quả.

Bốn là, công tác xây dựng Kế hoạch kiểm toán cần được đổi mới mạnh mẽ hơn, hướng vào những vấn đề trọng điểm, cấp bách trong quản lý tài chính - ngân sách. Bên cạnh việc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, KTNN cần tiến hành kiểm toán theo chuyên đề (các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN…) để có thêm thông tin sát thực phục vụ cho yêu cầu phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

LÊ MINH NAM
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI