Cơn bão lạm phát đè bẹp chứng khoán thế giới
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:00, 13/05/2021
(BKTO)- Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới lao dốc do lo ngại lạm phát gia tăng dẫn tới việc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ ngày càng hiện hữu.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Sắc đỏ nhấn chìm thị trường chứng khoán
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (13/5), các thị trường chứng khoán chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đỏ lửa, tiếp bước của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (12/5) do lo ngại về lạm phát gia tăng dẫn tới việc lãi suất gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cổ phiếu.
Vào lúc 10h30 sáng nay (giờ Việt Nam) chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm gần 500 điểm (1,84%), trong khi đó các chỉ số như KOSPI của Hàn Quốc, Shanghai hay S&P/ASX 200 của Úc đều giảm.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, cả ba chỉ số chính của Phố Wall cùng chốt phiên trong trạng thái giảm sâu.
Cụ thể, Dow giảm gần 2%, ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 1 năm nay. Chỉ số S&P 500 cũng có một phiên giảm sâu nhất kể từ hồi tháng 2 năm nay với mức giảm 2,1%. Trong khi đó sàn Nasdaq giảm sâu nhất với tỷ lệ lên tới 2,6%.
Sức ép bán tháo cổ phiếu trên tại thị trường chứng khoán Mỹ đến từ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào buổi sáng. Theo báo cáo này, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 4,2% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong tháng 3, CPI Mỹ tăng 2,6%.
Sự leo thang giá cả ở Mỹ trong thời gian gần đây là do số lượng việc làm ngày càng gia tăng, lượng tiền kích cầu và tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ ở mức khổng lồ, nguồn cung bị co hẹp do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng khan hiếm lao động đẩy tiền lương tăng cao hơn. Tất cả tạo ra một công thức hoàn hảo cho lạm phát.
“Phản ứng của thị trường chứng khoán đối với số liệu về lạm phát là rất nhanh. Thị trường lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất một cách quyết liệt”, ông Tapas Strickland, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế và thị trường thuộc Ngân hàng quốc gia Australia cho biết.
Ở cuộc họp gần đây nhất Fed có tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận mức lạm phát tăng cao hơn một chút so với mức mục tiêu là 2% và chỉ xem xét tăng lãi suất khi các số liệu khác cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, mối quan ngại của thị trường hiện nay là lạm phát có thể đã tăng quá nóng, buộc Fed phải tăng lãi suất trong thời gian tới.
Hiện Fed đang giữ lãi suất ở khoảng 0-0,25% và bơm vào thị trường mỗi tháng 120 tỷ USD thông qua việc mua tài sản.
Ám ảnh “margin call” và cảnh báo từ Đài Loan
Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, không có gì đáng sợ hơn là một cuộc “margin call”. Khi thị tường tăng điểm, margin sẽ giúp nhà đầu tư tăng lợi nhuận theo cấp số nhân. Nhưng khi toàn bộ thị trường lao dốc thì tỉ lệ margin quyết định nhà đầu tư có thể còn “bám trụ” được trên thị trường hay không hay "cháy" tài khoản.
Trong nhiều tháng trước, những người hoài nghi thị trường tăng giá trên khắp thế giới đã cảnh báo rằng đòn bẩy gia tăng đang khiến thị trường chứng khoán trở nên rủi ro hơn và dự đoán này đã bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư trên khắp thế giới khi thị trường đảo chiều.
Tháng 3 vừa qua, thị trường chứng khoán thế giới đã thực sự chấn động với cú “margin call” của Archegos Capital Management. Tiếp đó, trong phiên giao dịch hôm qua (12/5), nỗi sợ hãi về "margin call" lại tiếp tục tạo ra sự hoảng loạn ở thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc).
Việc đặt niềm tin thái quá vào thị trường, các nhà đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) đã sử dụng đòn bẩy ngày càng cao. Kết quả là khoản nợ margin đã tăng 46% trong năm nay lên khoảng 274 tỷ Đài tệ (9,8 tỷ USD) vào hai tuần trước, mức cao nhất kể từ năm 2011.Trong khi đó chỉ số chứng khoán Đài Loan chỉ tăng 19% trong giai đoạn đó, một dấu hiệu cho thấy mọi người đã vay nhanh hơn so với mức mà cổ phiếu đang tăng giá.
Và hậu quả,trong phiên giao dịch ngày 12/5, Chỉ số chứng khoán Taiex đã có thời điểm giảm mạnh gần 9% - trờ thành ngày giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử 54 năm của thị trường này. Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tình trạng force sell (lệnh bán cưỡng bức) đã khiến mức giảm của tuần này trở nên tồi tệ hơn, khi lượng nợ margin giảm xuống 12,9 tỷ Đài tệ (461 triệu USD) trong ngày 12/5.
Theo thống kê của Bloomberg khối lượng giao dịch hợp đồng phái sinh ngày 12/5 tại Đài Loan (Trung Quốc) tăng mạnh. Hơn 1,6 triệu hợp đồng được giao dịch "sang tay" khi hàng chục hợp đồng quyền chọn ngắn hạn hết hạn vào ngày 12/5. Giá một hợp đồng quyền chọn bán tăng tới 7,757%, hợp đồng quyền chọn bán tăng giá mạnh nếu chỉ số cơ sở lao dốc. Do đó, khi thị trường "rơi tự do", nhà đầu tư nhận được margin call và làn sóng sụt giảm càng diễn ra căng thẳng.
Sự đảo chiều mạnh trên thị trường chứng khoán Đài Loan là một lời cảnh báo đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao trên toàn thế giới. Taiex vốn là chỉ số tham chiếu có thành tích tốt nhất thế giới trong 3 năm tính đến tháng 4, khi tăng gần 80% (tính theo đồng USD). Đà tăng giá này tưởng chừng như sẽ không bao giờ kết thúc khi nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô đến các cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại, Taiex đang chứng kiến mức giảm mạnh nhất thế giới.
Theo Taipei Times, Bộ trưởng Tài chính Đài Loan – Su Jian-rong, cho biết trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính thuộc cơ quan lập pháp mới đây thì Ủy ban Quỹ Bình ổn Đài Lan (NSFC) có thể sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để giải quyết vấn đề này.
Năm ngoái, NSFC đã cam kết hỗ trợ thị trường chứng khoán với số tiền lên tới 500 tỷ Đài tệ, khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh vào tháng 3, trong khi Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan lại thắt chặt các quy định về bán khống.
NAM SƠN (Theo Bloomberg)