HoREA kiến nghị gỡ điểm nghẽn về tín dụng cho nhà ở xã hội

Đầu tư - Ngày đăng : 00:37, 15/05/2021

(BKTO) - Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất áp dụng lãi suất mua nhà xã hội chỉ dao động từ 3-3,5%/năm, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị tạo lập nhà ở.


                
   

HoREA kiến nghịáp dụng lãi suất mua nhà xã hội chỉ dao động từ 3-3,5%/năm (Ảnh minh họa) - Nguồn: vneconomy.vn

   

HoREA vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với mua nhà ở xã hội. Trong đó, HoREA chỉ ra một số mặt hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2020.

Theo HoREA, Luật Nhà ở 2014 quy định ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng. Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Tuy nhiên, Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP lại quy định trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội do chưa được tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất, nên cũng không có nguồn vốn tín dụng để cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi.

Bởi vậy, theo Hiệp hội, trong 5 năm qua, tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm và chi phí này được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội.

“Đây là nguyên nhân dẫn đến đơn giá nhà ở xã hội lên đến khoảng 18-20 triệu đồng/m2, tăng cao so với đơn giá 13-15 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, do thiếu vốn nên nguồn cung dự án nhà ở xã hội bị sụt giảm rất lớn, kéo theo tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở xã hội làm cho người có thu nhập thấp đô thị càng khó tạo lập nhà ở xã hội hơn”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Ở góc độ người mua nhà, theo HoREA, khách hàng cũng gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Trong 5 năm qua, danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 không có danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội nên gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách Nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng được chỉ định thực hiện chính sách này. Những vướng mắc này theo Hiệp hội cũng là một phần nguyên nhân khiến mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020 chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra.

Do đó, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng xem xét quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm, áp dụng cho cả người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Tuy nhiên, theo ông Châu, về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, như nhiều nước đã thực hiện.

HoREA cũng kiến nghị Chính phủ làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn ngân sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho các ngân hàng. Đây cũng là nguồn vốn “mồi” từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tạo điều kiện để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi.

Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại được chỉ định.../.

THIỆN TRẦN