Những điểm mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026

Chính trị - Ngày đăng : 00:39, 15/05/2021

(BKTO) - Tại buổi phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Ngày hội của toàn dân” do Báo điện tử Đảng cộng sản tổ chức sáng 14/5, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia - đã chia sẻ về những điểm mới trọng tâm của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.


                
   

Ông Bùi Văn Cường thông tin về những điểm mới trong công tác bầu cử
   lần này. Ảnh: N.LỘC

   

Theo đó, một trong những điểm mới của Cuộc bầu cử lần này là công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Cụ thể, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng bầu cử quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc Hội đồng được thành lập và kiện toàn sớm (theo Nghị quyết số 108/2020/QH14 ngày 11/6/2020 của Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Nghị quyết số 111/2020/QH14 ngày 12/6/2020 của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng; Nghị quyết số 118/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; các Nghị quyết số 08, 09, 10, 11 ngày 23/9/2020 của Hội đồng bầu cử quốc gia về việc thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền, Tiểu ban An ninh, Trật tự và Y tế; Nghị quyết số 1000/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia).

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.

Về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND cũng có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.

Ngoài ra, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.
                
   

Ảnh hưởng của dịch bệnh đã chuyển công tác chuẩn bị cuộc bầu cử sang trạng thái mới, chưa từng có trước đó. Ảnh: N.LỘC

   

Một điểm mới khác trong cuộc bầu cử lần này đó là, công tác chuẩn bị bầu cử được diễn ra trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Qua 2 đợt giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia cho thấy, mặc dù các địa phương đã chủ động phòng, chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc Covid-19 tại địa phương, nhưng để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương cần đề cao tinh thần phòng, chống dịch.

“Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Đ. KHOA