4 nội dung nghiên cứu khoa học trọng tâm năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:20, 15/05/2021
(BKTO) - Các nội dung nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2022 phải gắn với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN, dự báo định hướng những vấn đề mới phát sinh và có giá trị ứng dụng vào thực tiễn.
Triển khai đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ KTNN |
Để đạt được mục tiêu trên, Hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ các cấp năm 2022 của KTNN đã định hướng 4 nhóm nội dung nghiên cứu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN gắn với quá trình hiện đại hóa ngành kiểm toán và chuyển đổi số ở Việt Nam nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu về khuôn khổ pháp luật, triển khai thi hành Luật KTNN cũng như quyền tiếp cận, khai thác dữ liệu điện tử phục vụ công tác kiểm toán… tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động kiểm toán, nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của KTNN.
Đối với môi trường làm việc điện tử của KTNN, các nghiên cứu theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản các quy trình hoạt động nội bộ; xây dựng hạ tầng dữ liệu, hệ thống quản trị dữ liệu lớn tập trung, kết nối với các hệ thống dữ liệu liên quan để thu thập, ứng dụng các công cụ phân tích, dự báo đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển hoạt động kiểm toán trong môi trường công nghệ số…
Thứ hai, nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo hoặc nghiên cứu mới về phương thức tổ chức các loại hình, hoạt động kiểm toán của KTNN nhằm hoàn thiện các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng kiểm toán để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ và xã hội. Nhóm nghiên cứu này bao gồm:
Vấn đề tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng kiểm toán trong các lĩnh vực sử dụng ngân sách đang được xã hội quan tâm, các vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề quan trọng của đất nước như: nước thải y tế, dự án BRT, PPP…;
Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu rủi ro theo từng lĩnh vực, xây dựng hệ thống các quy trình, chuẩn mực kiểm toán theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số;
Nghiên cứu kiểm toán DN đã cổ phần hóa, bất cập trong quản lý đầu tư, kiểm soát, nâng cao chất lượng kiểm toán và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán;
Đổi mới phương thức hoạt động kiểm toán đối với kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán các lĩnh vực môi trường, công nghệ thông tin, phát triển bền vững, tổ chức kiểm toán theo thông lệ quốc tế;
Đối với việc phát triển các ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động kiểm toán, cần tập trung nghiên cứu hệ thống, công cụ báo cáo thống kê, phân tích và dự báo dựa trên công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ tự động hóa… làm tiền đề cho sự chuyển dịch và hình thành kiểm toán số.
Thứ ba, nghiên cứu vềnâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm toán viên, bao gồm:
Xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán chuyên nghiệp gắn với sự phát triển công nghệ thông tin và vận dụng chuẩn mực kiểm toán trong nước và quốc tế;
Đồng thời, đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán;
Các giải pháp nâng cao nâng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, trong đó có giải pháp giúp kiểm toán viên giữ được tính liêm chính trong hoạt động kiểm toán.
Thứ tư, nghiên cứu về gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả của kết quả KTNN nhằm vận dụng các kết quả kiểm toán để làm cơ sở hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách pháp luật.
Các nghiên cứu tập trung vào đánh giá hiệu lực của chính sách tài chính - tiền tệ và vai trò của KTNN; một số nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường (khai thác nguồn nước, quản lý rác thải, kiểm toán đất đai, khoáng sản…); chính sách quản lý tài chính công, tài sản công và vai trò của KTNN; phân tích, đánh giá các vấn đề kinh tế, xã hội trên cơ sở số liệu kiểm toán để tư vấn cho Chính phủ, Quốc hội trong công tác quản lý, giám sát và hoạch định chính sách vĩ mô./.
Tin và ảnh: THÙY LÊ