Thúc đẩy vai trò kiến tạo của Nhà nước
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:00, 27/06/2017
(BKTO) - Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây đã có riêng một chương về:“Cải cách thể chế hướng tới một Nhà nước kiến tạo”. Theo các chuyên gia, VERP đã cung cấp một khung lý thuyết, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về môi trường, thể chế của Nhà nước kiến tạo. Tuy nhiên, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò kiến tạo của Nhà nước, nội hàm của khái niệm này phải được làm rõ hơn.
Xây dựng Nhà nước kiến tạo là một bước tiến
Theo VERP, Nhà nước kiến tạo trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là Chính phủ xây dựng luật pháp, bảo vệ các quyền căn bản, để xã hội tự vận hành một cách hiệu quả nhất. Đây không phải là lần đầu tiên khái niệm này được đề cập. Trước đó, tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các nhà quản lý và chuyên gia đã bàn luận, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng Nhà nước kiến tạo. Điển hình là ngay sau khi nhậm chức, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới việc xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN”. Yêu cầu đó đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết và trở thành cương lĩnh hành động của Chính phủ suốt hơn 1 năm qua.
Cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách cắt giảm các khoản chi phí cho DN. Ảnh: TS
Nghiên cứu hệ thống chính trị của Việt Nam, VERP nhận thấy, vai trò của Quốc hội được tăng lên theo thời gian. Trong vòng 10 năm (2005-2015), Quốc hội đã thông qua 238 luật, pháp lệnh, trong khi giai đoạn 1945-1986 chỉ ban hành 63 luật, pháp lệnh. Kết quả này cùng với những chủ trương và hành động quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN của Chính phủ thời gian qua cho thấy: “Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam là một bước tiến tới gần hơn bản chất của kinh tế thị trường, định vị lại vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế”- VERP nhận định.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn vai trò kiến tạo của Nhà nước, VERP cho rằng, những hạn chế trong hệ thống chính trị của Việt Nam cần được khắc phục. Theo đó, mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và xã hội cần được luật hoá nhằm tăng cường hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Hệ thống tư pháp cần được xây dựng theo hướng chuyên môn hóa, tăng tính độc lập để nâng cao hiệu quả tư pháp, thực sự thượng tôn pháp luật. Tính kỹ trị của bộ máy hành chính nhà nước, Quốc hội cũng cần được tăng cường. Quan trọng nữa là phải tinh giản bộ máy nhà nước và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho công dân tham gia xây dựng xã hội và nâng cao trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.
Làm rõ hơn nội hàm Nhà nước kiến tạo
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Báo cáo của VERP đã cung cấp một khung khổ lý thuyết về môi trường, thể chế của Nhà nước kiến tạo. Các khuyến nghị đã chạm tới những vấn đề hệ trọng của hệ thống chính trị, gợi mở cho những tranh luận cần thiết để cải cách thể chế.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Báo cáo cần làm rõ hơn khái niệm Nhà nước kiến tạo. Một Nhà nước kiến tạo thì trước hết là Chính phủ phải thúc đẩy xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách cắt giảm các khoản chi phí cho DN, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí quản trị, vận hành bộ máy hành chính… Môi trường kinh doanh phải gắn với người dân, tránh cho người dân, DN những rủi ro chính sách.
Bên cạnh đó, Nhà nước kiến tạo phải bảo vệ các quyền về: tài sản, tự do kinh doanh, tự do khế ước và đã khế ước thì Nhà nước phải bảo đảm có hợp đồng, đồng thời hợp đồng phải được thực thi, nếu có tranh chấp thì tòa án và các thiết chế nhà nước phải giải quyết một cách nhanh chóng. Mặt khác, mô hình Nhà nước kiến tạo còn bảo đảm sự cạnh tranh, phá độc quyền của những công ty, tập đoàn nhà nước lớn bằng cách cổ phần hóa và chống chủ nghĩa tư bản thân hữu. Một yếu tố nữa của Nhà nước kiến tạo là Nhà nước cung cấp dịch vụ công chất lượng và giá rẻ thông qua việc cải cách các quy trình thủ tục và thu hút nhân tài.
Cùng quan điểm trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khuyến nghị, Báo cáo của VERP cần cụ thể hóa hơn nội hàm của Nhà nước kiến tạo để định vị và hành động đúng. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng của Nhà nước kiến tạo là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi người dân có quyền tự hoạt động và mưu cầu. Tuy nhiên, chỉ xây dựng môi trường kinh doanh là chưa đủ, bởi chính thể chế mới tạo ra khung khổ, định ra giới hạn của môi trường kinh doanh.
Do đó, Báo cáo phải phân tích mối quan hệ giữa cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, đồng thời làm rõ thêm nội hàm của Nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa chức năng của Nhà nước kiến tạo với bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ.
Bên cạnh đó, ông Tuyển còn góp ý rằng, Báo cáo của VERP cần làm rõ yêu cầu chuyển đổi chức năng của Nhà nước, từ Nhà nước sở hữu sang Nhà nước chỉ huy, Nhà nước can thiệp và sau cùng là Nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ việc chuyển đổi này xuất phát từ ý chí chủ quan của con người hay là sự phát triển biện chứng trước những thay đổi của sản xuất và sự phát triển của thị trường dưới tác động từ quá trình toàn cầu hóa.
NGỌC MAI