Kiến nghị tăng đầu tư, sửa đổi cơ chế tài chính dành cho y tế
Xã hội - Ngày đăng : 15:03, 16/05/2021
(BKTO) - Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính ngày 15/5, lãnh đạo Bộ Y tế đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, gửi đến người đứng đầu Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều kiến nghị quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP |
Sớm tháo gỡ vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, biên chế, tự chủ...
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, năng lực xét nghiệm COVID-19 của các địa phương chưa đồng đều, tất cả các tỉnh thành phố đều đã xét nghiệm được Realtime RT-PCR, nhưng còn 12 tỉnh chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định chắc chắn các ca bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận, một số địa phương đang có tâm lý “ngại” mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch COVID-19 để các địa phương sớm triển khai.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang chỉ ra 8 “nghịch lý” của ngành y tế, trong đó có tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế; dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ bệnh viện công lập sang khu vực tư nhân do chênh lệch thu nhập; mục tiêu tăng tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng viên trên 1 vạn dân vướng quy định về biên chế… Ông Quang đề nghị sửa đổi quy định liên quan mua sắm, đầu thầu tài sản công, nghị định về đào tạo chuyên sâu phù hợp đặc thù của ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Chính phủ ưu tiên, tăng đầu tư cho y tế trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19…
Về lĩnh vực cơ chế tài chính dành cho y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định 16; đẩy nhanh lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, từ đó tạo điều kiện để các bệnh viện được tự chủ toàn diện, đầy đủ. Đồng thời, phải tháo gỡ vướng mắc về biên chế, tự chủ thì các bệnh viện mới có cơ chế, nguồn lực để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng viên. Ước tính theo nhu cầu hiện nay, số bác sĩ, điều dưỡng phải tăng gấp 3 lần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo buổi làm việc - Ảnh: VGP |
7 nhiệm vụ chiến lược và 8 nhiệm vụ đột phá
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Bộ và ngành y tế đã đạt được những thành tựu rất cơ bản, toàn diện, quyết định, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng chống đại dịch COVID-19. Thời gian tới, ngành cần chú trọng 7 nhiệm vụ chiến lược sau:
Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát huy truyền thống, ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách và các đề án của Nhà nước, chương trình công tác của các cấp về chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương.
Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển ngành gắn với quy hoạch của các địa phương về phát triển ngành và và chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân.
Thực hiện có hiệu quả chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp; làm tốt công tác quản lý nhà nước; thực hiện tốt việc chăm lo, theo dõi chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tất cả các lĩnh vực trong điều kiện hội nhập.
Có giải pháp khắc phục tình trạng già hóa dân số, không ngừng nâng cao chất lượng sức khỏe và tuổi thọ nhân dân, để mọi người dân khỏe mạnh, đất nước khỏe mạnh.
Về 8 nhiệm vụ đột phá, Thủ tướng yêu cầu:
Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp điều kiện thực tiễn và tổ chức thực thi hiệu quả.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, phát triển y tế chuyên sâu tại các khu vực khó khăn, biên giới hải đảo…
Xây dựng ngành y tế công khai, minh bạch, hiệu quả, kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân.
Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành, đặc biệt là mô hình hợp tác công - tư.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các đơn vị, địa phương và thiết lập công cụ để giám sát, kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển y tế số, kinh tế y tế số, coi trọng công tác đào tạo gắn với thực tiễn, nhu cầu và vị trí việc làm.
Tập trung phát triển công nghiệp dược.
Coi trọng công tác truyền thông, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình./.
HỒNG NHUNG