Thách thức đối với tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:20, 04/08/2016
(BKTO) - Theo dự báo của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trungương (CIEM), tăng trưởng kinh tế quý III/2016 của Việt Nam có thể đạt mức6,14%. Dự báo này được đưa ra dựa trên đánh giá của các cơ quan tổ chức vềtriển vọng kinh tế thế giới, cũng như khả năng sử dụng một số công cụ chínhsách kinh tế trong nước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 5,52%. Ảnh TS
Trở lại với bối cảnh kinh tế quý II/2016, tăng trưởng kinh tế chưa lấy lại đà phục hồi nên dự báo trên được đánh giá là khá lạc quan. GDP quý II tuy đã tăng 5,57% so với cùng kỳ 2015 nhưng mức tăng này chỉ cao hơn một chút so với quý I/2016 và cùng kỳ giai đoạn 2012-2014. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2016 vẫn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2015. Tính chung cả 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,52%, thấp hơn 0,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2015. Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 của CIEM nhận định: “Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 là 6,7%, tương đương kết quả cả năm 2015, hầu như không khả thi”.
Đặt trong bối cảnh quốc tế và khu vực, Báo cáo nêu rõ: tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao hơn so với không ít quốc gia. Trong quý II, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn đáng kể so với Singapore, Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn so với Trung Quốc, dù kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng thấp nhất sau nhiều năm. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn, cũng ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cùng với việc dự báo về tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia CIEM cũng nghiên cứu và cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu quý III của Việt Nam có thể đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2015; giá nhập khẩu giảm 1%; thâm hụt thương mại ở mức 0,4 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng khoảng 1,31% so với quý II. Dân số tăng 0,26%/năm và việc làm tăng 0,32%.
Trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm dự báo tăng 1% trong quý III. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 3%. Tín dụng tăng 4%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và tư nhân tăng khoảng 10% so với quý II. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 15% so với quý II. Đầu tư từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ được bổ sung lần lượt 60.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng. Tỷ giá của hệ thống ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ ổn định trong 6 tháng cuối năm 2016 (với xác suất là 94,73%).
Hội nhập là vấn đề cần lưu ý
Mặc dù đưa ra những dự báo lạc quan, nhưng Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 nhấn mạnh rằng, việc lường trước những khó khăn, thách thức của hội nhập vẫn là vấn đề cần thường xuyên quan tâm.
Bởi theo phân tích của các chuyên gia, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý III có thể chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố. Thứ nhất, việc Anh rời khỏi EU có thể có thêm diễn biến mới. Những bất định quanh những diễn biến này - như tốc độ triển khai, các chính sách bổ trợ của Anh và EU, phản ứng của thị trường tài chính, và phản ứng của các nền kinh tế lớn - có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam. Một rủi ro có thể tác động là tỷ giá của nhiều đồng tiền được điều chỉnh giảm hoặc mất giá so với USD. Thứ hai, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể ra quyết định điều chỉnh lãi suất USD và khả năng hạ lãi suất trở lại không còn bị loại trừ. Thứ ba, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn mà Việt Nam tham gia như TPP, FTA với EU sẽ được phê chuẩn trong quý III. Theo đó, những điều chỉnh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị cho việc thực thi có thể lùi xuống quý IV/2016.
Bên cạnh đó, cần phải xử lý thách thức từ việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), bởi trên thực tế, thời gian qua dường như chúng ta quá quan tâm đến hội nhập quốc tế (với TPP, với EU…) và khá sao nhãng với hội nhập khu vực, cụ thể là với AEC. Trong khi đó, cần phải lưu ý rằng ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua. Các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. ASEAN cũng là nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn cho Việt Nam. Thêm nữa, mức cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa khá cao trong AEC tạo lợi thế rất lớn về lưu chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN.
Hội nhập AEC có thể mang lại thời cơ lớn cho Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối khu vực và toàn cầu.
HỒNG THOAN