Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5: Petrovietnam ứng dụng khoa học công nghệ biến nhiều điều không thể thành có thể

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 13:20, 18/05/2021

(BKTO) - Sự thành công của những công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang làm lợi cho đất nước hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời giúp đảm bảo hiệu quả kinh tế của các nhà máy, mỏ dầu - khí, chung sức cùng nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân...


                
   

Mỏ Bạch Hổ - Nguồn: PVN

   

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ - “mệnh lệnh từ trái tim”

Nghiên cứu phát triển và ứng dụng KHCN luôn được Đảng và Chính phủ nhấn mạnh đối với ngành Dầu khí và Petrovietnam cũng luôn xác định là một nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong Chiến lược phát triển, Petrovietnam đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải xây dựng tiềm lực KHCN mạnh bằng những giải pháp đột phá. Đây được xem là động lực và nền tảng để Tập đoàn tăng tốc phát triển và phát triển bền vững.

Thành công của KHCN Petrovietnam không thể không kể đến Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận” bắt đầu từ năm 1990. Khi đó, Liên doanh Vietsovpetro mới khai thác được dầu tại Bạch Hổ, nhưng công nghệ thời đó chỉ khai thác dầu, còn khí đồng hành phải đốt bỏ.

Trong khi đó, đất nước đang thiếu điện trầm trọng để phát triển kinh tế. Năm 1995, sau khai thác dầu, bằng những giải pháp KHCN đột phá, trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, Vietsovpetro tiên phong đưa khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ, tạo nên bước nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp khí hiện đại.
                
   

Sơ đồ thu gom và vận chuyển khí đồng hành từ WHP-CNV mỏ Cá Ngừ Vàng đến CPP-3 mỏ Bạch Hổ - Nguồn: PVN

   
Câu chuyện nghiên cứu chế tạo hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 cũng là một dấu ấn đặc biệt. Từ sau năm 1990, ngay khi Việt Nam xuất khẩu được những tấn dầu đầu tiên, thu về những đồng ngoại tệ mạnh cho đất nước cũng là lúc Vietsovpetro nhận ra phải học bằng được công nghệ thăm dò khai thác dầu khí của nước bạn Liên Xô, cũng như san bằng độ chênh về công nghệ giữa Liên doanh và các nước tư bản.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Giám đốc Xí nghiệp Khoan & Sửa giếng Vietsovpetro, ngành Dầu khí Việt Nam lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của Liên Xô từ trang thiết bị đến đào tạo. Để không bị đào thải khỏi cuộc chơi dịch vụ dầu khí, các cán bộ Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan Vietsovpetro đã nỗ lực tự tìm tòi học hỏi sáng tạo. Thậm chí nhặt nhạnh cả các thiết bị thuộc dạng “không thể sửa chữa, không thể tìm mua” để mổ xẻ, nghiên cứu, rồi tích hợp những tính năng ưu việt nhất của chúng và chế tạo ra một Trạm đo carota tổng hợp có giá thành chỉ 5.000 USD, bằng chưa đầy 10% so với giá thiết bị tương tự nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Thực tế, thiết bị của một trạm đo của Nga trước đây, cùng các thiết bị phối hợp tương ứng có khối lượng và trọng lượng lên đến cả trăm ki-lo-gam thì nay, các kỹ sư của Vietsovpetro đã chế tạo ra một trạm đo tổng hợp có thể minh giải tài liệu địa vật lý, đo đạc các tầng móng đá nứt nẻ chứa dầu… chỉ nặng chưa đến 10kg, nhỏ gọn như một máy tính cá nhân. Và đây cũng chính là thiết bị nhỏ gọn và có nhiều tính năng ưu việt nhất trên thế giới hiện nay khi so sánh với cả các sản phẩm của các nhà chế tạo thiết bị dầu khí hàng đầu thế giới như Haliburton (Mỹ), Huangding (Trung Quốc)…

Nỗ lực vượt gian nan, vươn cả ra thị trường thế giới

Năm 2009, được sự tin tưởng và ủng hộ của Chính phủ, Tập đoàn, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) được giao trọng trách nghiên cứu, triển khai thực hiện công tác thi công chế tạo các công trình lớn của dự án Biển Đông 1. Trong đó, khối thượng tầng nặng 12.500 tấn và khối chân đế nặng 11.500 tấn của giàn công nghệ trung tâm và nhà ở Hải Thạch (PQP-HT) là các công trình có khối lượng vượt gấp nhiều lần các công trình đã từng thực hiện trước đó tại Việt Nam. Đây là nhiệm vụ mà các chuyên gia giám sát, tư vấn quốc tế cho rằng bất khả thi.

Tuy nhiên, Công ty Dịch vụ Cơ khí hàng hải PTSC (PTSC & MC) đã vượt qua khó khăn nhiều mặt về nguồn lực, về cơ sở hạ tầng, thách thức về tiến độ để hoàn thành dự án sau đúng 2 năm. Đến nay, với việc nghiên cứu hoàn thiện và ứng dụng Cụm công trình KHCN, thực hiện thành công thiết kế, thi công, chế tạo và lắp đặt giàn khoan siêu trường siêu trọng, PTSC&MC đã trở thành nhà thầu EPCI (xây dựng - lắp đặt - vận hành và chuyển giao) quốc tế duy nhất của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, được chủ đầu tư các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Ghana, Quatar… tin tưởng, giao thầu các dự án có giá trị lên tới hơn 600 triệu USD.
                
   

Giàn PVD III thực hiện chiến dịch khoan biển tại Camphuchia - Nguồn: PVN

   

Còn nhớ, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam bắt đầu vận hành, đội ngũ kỹ sư, cán bộ của Nhà máy đều thuộc dạng học việc nên va vấp, sự cố là không thể tránh khỏi. Khi đó, Petrovietnam đã xác định, để nâng cao chất lượng vận hành nhà máy là một quá trình bền bỉ và lâu dài nên đã không ngừng cải tiến, sáng tạo từ ngay trong thực tế vận hành.

Dù những năm đầu kết quả sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất không cao nhưng Tập đoàn vẫn tin tưởng đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng vận hành nhà máy. Suốt 12 năm qua, hơn 30 giải pháp, sáng kiến đã hoàn thiện, nâng công suất nhà máy vượt thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm lên mức cao nhất.

Các giải pháp như việc sớm đưa khí đồng hành tại các mỏ dầu ngoài khơi về bờ đem lại lợi nhuận, phát điện cho khu vực Đông Nam Bộ làm lợi hàng chục ngàn tỷ đồng; hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 làm lợi được khoảng 2.636 tỷ đồng; hay các giải pháp ứng dụng KHCN tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã làm lợi khoảng 4.270 tỷ đồng…

Thành công vang dội, nhưng vạn sự khởi đầu nan và ít người biết rằng khởi đầu của các công trình khoa học này người Dầu khí đều bắt tay vào thực hiện trong tâm thế “con nhà nghèo”.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, việc nghiên cứu, phát triển, đề xuất và áp dụng thành công các giải pháp khoa học và công nghệ dầu khí không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho quốc gia, mà còn có những đóng góp quan trọng cho nền khoa học dầu khí của Việt Nam và thế giới. Hơn nữa, đó chính là những minh chứng quan trọng về khả năng sáng tạo không ngừng của người Việt nói chung và người dầu khí nói riêng - những người luôn xứng đáng khi được trao gửi niềm tin để biến những điều không thể thành có thể.

Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cũng yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị cần tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch KHCN có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời mong muốn đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý KHCN trong toàn Tập đoàn nỗ lực hơn nữa, không ngừng đổi mới sáng tạo, kịp thời nắm bắt, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn cũng như các đơn vị, phát huy hơn nữa vai trò KHCN, tạo ra những giải pháp đột phá, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của Petrovietnam./.
         
Trong thư của Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng gửi tới các tập thể, cá nhân, các thế hệ cán bộ nghiên cứu và quản lý KHCN, những người tham gia các hoạt động nghiên cứu KHCN trong toàn Tập đoàn nhân Ngày KHCN Việt Nam (18/5) có đoạn: “Năm 2021, Tập đoàn bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021-2025, với những chương trình KHCN trọng điểm, mang tính đột phá. Đây sẽ là cơ sở nền tảng để phát triển sản phẩm, dịch vụ chủ lực, mang thương hiệu Dầu khí Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”.
PHÚC KHANG