Thương hiệu quốc gia - niềm tự hào của doanh nghiệp Việt

Đầu tư - Ngày đăng : 10:50, 08/12/2016

(BKTO) - Vừa qua, tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương đãcông bố, vinh danh 88 DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia “Vietnam Value” lầnthứ 5 năm 2016. Tổng doanh thu của các DN được vinh danh lầnnày đạt hơn 662.000 tỷ đồng (năm 2015); giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD;đóng góp cho NSNN 59.093 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng nửa triệu lao động…


Tôn vinh sản phẩm thương hiệu Việt

Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN có 5 đơn vị góp mặt trong danh sách vinh danh lần này. Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản có 2 DN ngành dầu khí là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Trong lĩnh vực vật tư nông sản, các sản phẩm phân đạm NPK, Kali của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) và sản phẩm urê hạt đục của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt Thương hiệu quốc gia 2016. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tài sản dầu khí (PSA) - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco). Đáng chú ý, trong số các DN này, PTSC là 1 trong 23 DN đã 5 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia.

Các DN đạt danh hiệu cần nâng cao vị thế tiên phong, xứng đáng là đại diện điển hình cho Thương hiệu quốc gia. Ảnh: TK

Cùng với đó, rất nhiều tên tuổi DN nổi tiếng khác có sản phẩm lọt vào danh sách Thương hiệu quốc gia được tôn vinh năm nay, như: Hòa Phát, Trường Hải, Thống Nhất, Sơn Hà, Minh Long, Việt Tiến, Rạng Đông…
Theo kết quả tổng hợp của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, số lượng các DN được vinh danh đã tăng dần qua các thời kỳ, cụ thể năm 2008 có 30 DN, năm 2010 có 43 DN, năm 2012 có 54 DN, năm 2014 có 63 DN và năm 2016 có 88 DN, với 23 DN đã 5 lần đạt danh hiệu, 9 DN đạt 4 lần, 14 DN đạt 3 lần, 13 DN đạt 2 lần và 29 DN đạt lần đầu.

Mặc dù số lượng DN đạt Thương hiệu quốc gia còn khiêm tốn trong tổng số gần 600.000 DN đang hoạt động trên cả nước, nhưng nếu xét về mức độ tăng dần về số lượng các DN qua từng kỳ, chúng ta có thể thấy được sự tiến bộ về năng lực của các DN Việt Nam, sự quan tâm ngày càng cao của DN đối với Chương trình, cũng như uy tín của Chương trình đối với cộng đồng DN.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 23/11/2003 nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Việc lựa chọn các DN đạt Thương hiệu quốc gia được tiến hành 2 năm một lần, kể từ năm 2008.

Góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia

Báo cáo về quá trình triển khai và những hoạt động đã thực hiện của Chương trình Thương hiệu quốc gia thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là Chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh Thương hiệu quốc gia thông qua việc xây dựng hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Dựa trên những tiêu chí khắt khe, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã lựa chọn, đánh giá, thẩm định thực tế một cách nghiêm túc để tìm ra những DN tiêu biểu, thương hiệu có sức lan tỏa lớn trên toàn quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các DN Thương hiệu quốc gia phải đảm bảo giá trị của Chương trình là “Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong” để xứng đáng với danh hiệu mà Nhà nước và Chính phủ đã trao cũng như lòng tin của người tiêu dùng. Đồng thời, các DN cũng cần nâng cao vị thế tiên phong của DN trên thị trường trong và ngoài nước để xứng đáng vai trò đại diện điển hình cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận các DN đạt Thương hiệu Quốc gia những năm trước đây đến nay vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đạt tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu dù còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Điều này thể hiện sự phấn đấu bền bỉ và bản lĩnh vững vàng của DN trong tiến trình đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các DN Thương hiệu quốc gia cần bám sát các mục tiêu và giá trị mà Chương trình Thương hiệu quốc gia đang hướng tới. Đồng thời đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến, hiện đại và hoạt động tài chính minh bạch, lành mạnh; sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên vật liệu trong nước, có khả năng xuất khẩu và thay thế sản phẩm nhập khẩu; không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh; sản phẩm và dịch vụ cần chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu; nâng cao vị thế tiên phong của DN trên thị trường trong và ngoài nước, xứng đáng với vai trò đại diện, điển hình cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

HỒNG THOAN