Dịch vụ chăm sóc sức khỏe đổi mới nhờ công nghệ
Xã hội - Ngày đăng : 09:44, 20/05/2021
(BKTO) - Một năm sau khi đại dịch bùng phát, nhiều người tiêu dùng đã quen tương tác với dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số, ngay cả khi đại dịch đã lắng xuống. Những tiến bộ trong công nghệ và mong muốn của người tiêu dùng đối với sự tiện lợi sẽ thúc đẩy việc áp dụng dịch vụ chăm sóc ảo và phá vỡ hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe truyền thống.
Người tiêu dùng đã dần quen với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa |
Chăm sóc sức khỏe từ xa - xu hướng mới của người tiêu dùng
Theo Báo cáo Các vấn đề hàng đầu của ngành y tế toàn cầu năm 2021 của PwC, việc triển khai các công cụ kỹ thuật số trong các thử nghiệm lâm sàng đã giúp DN nhanh chóng kiểm tra tác dụng của các loại thuốc hiện có và thúc đẩy sự nghiên cứu vắc xin Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc công nghệ đã bắt đầu khắc phục các điểm yếu trong chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Khảo sát của PwC cũng cho thấy, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến dịch vụ chăm sóc từ xa, thông qua điện thoại thông minh hoặc cuộc hẹn video ngay cả khi mọi người có thể đến tận nơi để khám chữa bệnh. 36% người được hỏi cho biết họ đã gặp phải các triệu chứng của lo lắng hoặc trầm cảm do hậu quả của đại dịch và 44% trong số những người được hỏi đã tham gia vào dịch vụ chăm sóc ảo qua video.
Điều này đã đặt ra thách thức đối với các bệnh viện, cơ sở y tế trong việc kết hợp giữa chăm sóc ảo và chăm sóc trực tiếp. Theo đó, vẫn có khoảng một nửa số bệnh nhân tham gia khảo sát chưa từng sử dụng dịch vụ chăm sóc ảo. Việc cung cấp trải nghiệm người tiêu dùng tốt sẽ giúp thúc đẩy trải nghiệm tích cực mà những bệnh nhân khác đã có và lôi kéo mọi người xung quanh cùng tham gia vào dịch vụ chăm sóc từ xa.
Ngoài ra, nghiên cứu của PwC cũng chỉ ra rằng, hơn 1/4 số người tham gia khảo sát cho biết rằng họ gặp sự cố kỹ thuật, cảm thấy sức khỏe của họ không được giải quyết thỏa đáng khi sử dụng hình thức video ảo. Họ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu một cách rõ ràng các bước chăm sóc sức khỏe tiếp theo. Như vậy, vẫn tồn tại một khoảng trống giữa nhu cầu chăm sóc ảo và khả năng cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.
Các bệnh viện, cơ sở y tế đầu tư và nâng cao khả năng chăm sóc ảo sẽ thu hút bệnh nhân thông qua sự tiện lợi của dịch vụ chăm sóc từ xa, đồng thời mở rộng đối tượng bệnh nhân và tạo ra khoản tiết kiệm đáng kể về thăm khám và giảm nhu cầu cơ sở vật chất. Tuy nhiên, việc phát triển các khả năng chăm sóc ảo đòi hỏi các khoản đầu tư đáng kể. Điều này đã và đang thúc đẩy các giao dịch, thường dưới hình thức hợp tác giữa tổ chức chăm sóc sức khỏe với các nhà cung cấp dịch vụ ảo và DN công nghệ.
Bốn vấn đề hàng đầu đối với ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe
Theo báo cáo của PwC, có 4 vấn đề lớn đang ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các công ty bảo hiểm, các công ty dược phẩm, khoa học đời sống và người sử dụng lao động.
Trước tiên, những tiến bộ trong công nghệ chăm sóc sức khỏe và mong muốn thuận tiện của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy việc áp dụng dịch vụ chăm sóc ảo. Do đó, các tổ chức cung cấp và chi trả phải phát triển các chiến lược chăm sóc ảo toàn diện, hướng tới tương lai, có ý nghĩa với cả quan điểm chăm sóc bệnh nhân và hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia của PwC cho rằng, bên cạnh việc phát triển công nghệ mới, các tổ chức chăm sóc sức khỏe và nhà cung cấp dịch vụ cũng phải quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc ảo giữa những nhóm dân số dễ bị tổn thương, những người không có thiết bị di động, kết nối và kiến thức kỹ thuật số cần thiết để tham gia.
Ngoài ra, vấn đề quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu sức khỏe cũng cần được lưu ý bằng cách tăng cường các nỗ lực an ninh mạng khi ngày càng có nhiều người sử dụng các ứng dụng y tế từ xa, chăm sóc sức khỏe và thiết bị giám sát từ xa. Đồng thời, cần cung cấp các cơ hội nâng cao kỹ năng, xây dựng sức mạnh kỹ thuật số cho tổ chức và giúp nhân viên điều chỉnh để thay đổi phương thức làm việc.
Thứ hai là khai thác và phân tích dữ liệu: Khi đại dịch ập đến, các tổ chức y tế thường phải vật lộn để tìm kiếm thông tin cơ bản mà họ cần để ứng phó. Bên cạnh đó, việc triển khai vô tổ chức các chương trình tiêm chủng vắc xin ở nhiều quốc gia cho thấy cần phải làm nhiều hơn nữa để khai thác sức mạnh của dữ liệu và phân tích. Việc công nhận sức mạnh của phân tích dữ liệu trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc, nâng cao trải nghiệm bệnh nhân và giảm chi phí đang thúc đẩy sự hội tụ giữa các ngành công nghệ, dịch vụ y tế, dược phẩm và khoa học đời sống.
Báo cáo của PwC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng dữ liệu để truyền thông và tiếp cận với đúng bệnh nhân, từ đó thúc đẩy sự tham gia của bệnh nhân, cải thiện kết quả và giảm chi phí. Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác trong khu vực của các hệ thống y tế, nhà nghiên cứu y tế, tổ chức cộng đồng, hiệu thuốc, Chính phủ, người sử dụng lao động địa phương và công nghệ sẽ giúp tạo ra tập dữ liệu về sức khỏe, người tiêu dùng và xã hội, qua đó xác định xu hướng, can thiệp mục tiêu và thúc đẩy chiến lược tiếp cận thông minh.
Thứ ba là phát triển các thử nghiệm lâm sàng. Sự gián đoạn của đại dịch đối với các thử nghiệm lâm sàng trực tiếp hiện tại đã buộc phải áp dụng công nghệ kỹ thuật số và các công cụ chăm sóc từ xa, cho phép các nhà nghiên cứu xử lý một số khía cạnh của thử nghiệm ảo, bao gồm tuyển dụng kỹ thuật số, thăm khám từ xa bằng telehealth và sử dụng thử nghiệm tại nhà hoặc công nghệ giám sát.
Trong cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu sức khỏe PwC, 93% giám đốc điều hành dược phẩm và khoa học đời sống cho biết các thử nghiệm bao gồm các yếu tố kỹ thuật số là quan trọng đối với công ty họ trong 5 năm tới. 66% người được hỏi trong cuộc khảo sát người tiêu dùng sức khỏe toàn cầu của PwC cũng cho biết họ rất sẵn sàng hoặc có thể đồng ý tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật số.
Vấn đề cuối cùng là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm sáng tỏ những điểm yếu của chuỗi cung ứng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng tính linh hoạt và khả năng dự phòng cho yếu tố rất quan trọng này. Các chuyên gia của PwC cho rằng, trước tiên, cần xem xét nội địa hóa nguồn cung cấp. Theo đó, các yếu tố như rủi ro và khả năng phục hồi, sự phát triển của một hệ sinh thái rộng lớn hơn, phân tích chi phí - lợi ích, ưu đãi thuế và sự sẵn có của nhân tài... cần được xem xét trong ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quan hệ đối tác cho phép đổi mới, thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thúc đẩy phân phối sản phẩm. Đồng thời, đầu tư vào lực lượng lao động của tương lai am hiểu công nghệ và sức mạnh của dữ liệu, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và học máy đang ngày càng lan rộng khắp chuỗi cung ứng./.
THÙY LÊ (tổng hợp)