Chủ động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 14:11, 20/05/2021
(BKTO)- Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét... ước tính gây thiệt hại khoảng 112 tỷ đồng.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra - Ảnh: TTXVN |
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công tác PCTT trong thời điểm mùa mưa bão năm 2021 có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng ứng phó; trong đó công tác tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Thiên tai vẫn diễn biến phức tạp
Nhận định về tình hình thiên tai trong thời gian tới, Tổng cục PCTT dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng 5-7 cơn).
Từ cuối tháng 5 đến đầu 6/2021, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo; trong đó, khả năng sẽ ảnh hưởng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ tháng 7 đến 9/2021 và ảnh hưởng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 đến cuối năm.
Bên cạnh đó, nắng nóng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ nửa cuối tháng 5 đến 8/2021, có xu hướng tăng hơn trong các tháng 7, 8, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020. Không khí lạnh có xu hướng bắt đầu hoạt động từ tháng 10 và gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11/2021.
Về mùa mưa lũ năm 2021, Tổng cục PCTT cho rằng, đỉnh lũ trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, cao hơn năm 2020. Các đợt lũ vừa và lũ lớn có khả năng tập trung trong các tháng 8, 9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc; ngập úng tại các đô thị do mưa lớn cục bộ.
Từ tháng 6 đến 8/2021, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 02-03 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ khả năng ở mức BĐ1-BĐ2, trên một số sông suối nhỏ khả năng lên trên BĐ2. Nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận.
Từ tháng 9 đến 11/2021, trên các song thuộc Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Đối với khu vực Nam Bộ, từ nay đến cuối tháng 5/2021, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long tiếp tục giảm dần. Từ tháng 6 đến 11/2021, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và các sông Nam Bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống thiên tai trong thời điểm mùa mưa bão năm 2021 có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân, tại cuộc họp mới đây, Tổng cục PCTT đã đưa ra một số giải pháp, hoạt động đã và đang triển khai thực hiện. Hiện tại, Tổng cục PCTT – Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT nhanh chóng chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh/thành phố rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn PCTT trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, theo phương châm 4 tại chỗ (Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ).
Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng, chủ động ứng phó với tình huống xấu nhất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra cùng lúc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, công tác truyền thông về PCTT được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay các tài liệu và phương pháp truyền thông còn hạn chế trong bối cảnh dịch bệnh, vì vậy việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tại cơ sở cần được quan tâm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ký Quyết định số: 636/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch truyền thông về phòng, chống thiên tai đến năm 2030. Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện thông tin, tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nội dung tuyên truyền là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó trước các tình huống của thiên tai lớn, phức tạp để các cấp chính quyền cơ sở, người dân, DN chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiếu thiệt hại về người, tài sản, môi trường.
Trong đó, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét...
Thống kê của Tổng cục PCTT cho thấy, đến ngày 18/5, thiên tai đã làm 19 người chết, 26 người bị thương; 46 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.988 nhà bị hư hỏng, tốc mái, di dời khẩn cấp; 3.895 gia súc, gia cầm bị chết; 30.874 ha lúa, rau màu và 203 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.453m đường giao thông, 15.945 m3 đất đá, bê tông bị sạt lở. |
LÊ HÒA