TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Phát huy vai trò của Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Chính trị - Ngày đăng : 15:22, 20/05/2021

(BKTO) - Là người nghiên cứu sâu về Quốc hội các nước trên thế giới, Quốc hội Việt Nam và có nhiều năm phục vụ Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có những chia sẻ thẳng thắn về vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị tại Tọa đàm với chủ đề "Ngày hội toàn dân - Bầu cử an toàn, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật" do Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vừa qua.


Khẳng định vai trò quan trọng của Quốc hội trong hệ thống chính trị
                
   

TS. Nguyễn Sỹ Dũng. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

   

Trước hết, cần khẳng định, Quốc hội là cơ quan do Nhân dân thành lập ra, mà đã do dân, thì vì dân, đó là tương quan, nhân quả rõ ràng. Quốc hội là cơ quan duy nhất trong hệ thống của chúng ta chịu trách nhiệm trước dân, đồng thời đại diện cho dân, đó là động lực để phục vụ dân. Của dân, do dân, vì dân gắn kết với nhau là vì như vậy. Một cơ quan không do dân thành lập ra, để nói vì dân khó khăn hơn nhiều. Một cơ quan thực chất chịu trách nhiệm trước dân, do dân thành lập, thì vì dân sẽ rất rõ.

Hơn nữa, pháp luật của chúng ta còn có quy định, người dân không chỉ bầu ra, mà còn có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu, bởi vậy tính chịu trách nhiệm trước dân của Quốc hội rất rõ. Đã chịu trách nhiệm trước dân thì khuyến khích nghe dân, khuyến khích phục vụ dân cũng cao hơn.

Trong mô hình Nhà nước pháp quyền như tại Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, vai trò của Quốc hội rất lớn. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước pháp luật được thượng tôn, pháp luật cao hơn tất cả. Đây là cơ quan lập pháp để xây dựng, hoạch định và phê chuẩn một hệ thống pháp luật có tầm như vậy. Một hệ thống pháp luật ràng buộc không chỉ người dân, ràng buộc cả các cơ quan nhà nước, cơ quan quyền lực đều bị pháp luật ràng buộc và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đấy là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

Một nguyên tắc nữa về nội hàm của Nhà nước pháp quyền đó là quyền của con người, quyền của người dân được bảo vệ. Một hệ thống pháp luật quy định các quyền và bảo vệ các quyền đó là rất quan trọng. Bởi vì khi các quyền đó được bảo vệ, chẳng hạn quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, là nền tảng của kinh tế thị trường. Không có cái đó, không thể phát triển kinh tế được. Đó là những khuôn khổ tạo nên Nhà nước pháp quyền.
                
   

Cử tri cần hiểu đúng về cơ quan Quốc hội, vai trò của Đại biểu Quốc hộiđể có trách nhiệm hơn đối với lá phiếu bầu cử, với sự lựa chọn của mình.
   Ảnh: N.LỘC

   

Một trong những vai trò rất quan trọng của Quốc hội là bảo đảm trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Bởi vì Nhà nước thông qua chính sách, thông qua pháp luật phân bổ ngân sách. Như vậy, phải có thiết chế giải trình, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của người dân. Phải giải trình trước Quốc hội, giải trình thông qua việc tranh luận ở Quốc hội, giải trình thông qua trả lời chất vấn ở Quốc hội.

Đó là điều rất quan trọng cho Nhà nước vận hành, ở mức cao như vậy chỉ có Quốc hội mới xác lập được chế độ trách nhiệm. Ví dụ, ở cơ quan cao nhất, cơ quan hành pháp có thể áp đặt chế độ trách nhiệm cho những vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật, có thể khởi tố, bị phạt. Nhưng cơ quan hành pháp đó thì ai áp đặt chế độ trách nhiệm? Đó chính là Quốc hội, những cơ quan này phải giải trình trước Quốc hội, phải giữ được tín nhiệm với Quốc hội. Rõ ràng, vai trò của Quốc hội rất quan trọng để bảo đảm chế độ trách nhiệm giải trình, đó là nền tảng để Nhà nước vận hành thực sự minh bạch, thực sự là Nhà nước của dân, do dân, và vì dân.

Đại biểu Quốc hội phải vì dân vàbảo vệ lợi ích của quốc gia

Trên thực tế, Quốc hội không thể tự thân vận hành, mà phải gồm nhiều yếu tố, trong đó, nòng cốt là lực lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định đại biểu vừa phải đại diện cho cử tri đã bầu ra mình, hay nói như trong Hiến pháp là Nhân dân ở đơn vị bầu ra mình, vừa đại diện cho Nhân dân cả nước. Có nghĩa là vừa phải đại diện cho đơn vị bầu cử, vừa phải đại diện cho quốc gia.
                
   

Người ĐBQHphải đại diện cho Nhân dân, cử tri. Ảnh: N.LỘC

   

Người ĐBQH phải đại diện cho đơn vị bầu cử, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, tìm cách giải quyết những vấn đề của đơn vị bầu cử, chăm lo cho đời sống của cử tri ở đơn vị bầu cử. ĐBQH phải dùng kỹ năng của một đại biểu, kỹ năng của một chính khách để giải quyết vấn đề. Cũng có thể nói như trong Luật là đề đạt với các cơ quan hữu quan, đề đạt đến Quốc hội. Nhưng để thúc đẩy việc đó vào chương trình nghị sự của quốc gia, trở thành chính sách pháp luật, đòi hỏi một kỹ năng cao hơn. Cử tri muốn được đại diện như vậy, không chỉ nghe rồi báo cáo lên trên là hết.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, cần tách bạch giữa việcđại diện cho lợi ích quốc gia với lợi ích của một bộ phận cử tri, tại đơn vị bầu cử. Trong mô hình thể chế của chúng ta, rất nhiều khi các lợi ích trùng nhau, nhưng có những khi không trùng nhau. "Tôi lấy ví dụ, cử tri ở đơn vị nông nghiệp thì muốn giá đất cao, đó là lợi ích của cử tri ở đơn vị bầu cử đó, nhưng giá đất cao bất hợp lý thì làm sao công nghiệp hóa? Trong trường hợp như vậy, đại biểu phải hành xử hợp lý, đấu tranh để bảo vệ lợi ích của quốc gia, bởi vì Quốc hội là cơ quan đại diện cho lợi ích quốc gia" - TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Vì lợi ích quốc gia, ĐBQH phải giải trình rõ cho cử tri. Trách nhiệm giải trình đó cũng chính là trách nhiệm đại diện cho cử tri ở đơn vị bầu cử.

NGUYỄN LỘC