Khắc phục hạn chế trong trích lập, quản lý và sử dụng các khoản dự phòng rủi ro

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 22:27, 20/05/2021

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa đưa ra lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xác định, trích lập, quản lý và sử dụng các khoản dự phòng rủi ro của NHNN.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

   

Theo NHNN, trong quá trình thực thi, Thông tư số 39/2013/TT-NHNN quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của NHNN (Thông tư 39) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chưa quy định cụ thể nội dung “các khoản phải thu khác”, chưa có quy định về trình tự xử lý các khoản tổn thất đang theo dõi ngoại bảng… Điều này dẫn đến tình trạng thiếu căn cứ pháp lý cụ thể khi thực hiện. Vì vậy, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 là cần thiết.

Dự thảo Thông tư rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này.

Theo đó, Dự thảo bổ sung các khoản tái cấp vốn được phân loại theo mức độ rủi ro tăng dần với 4 nhóm chính; đồng thời bổ sung các khoản phải thu khách hàng, các khoản phải thu nhà cung cấp, các khoản phải thu cá nhân, tổ chức bên ngoài có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả.

Theo Dự thảo, việc xử lý các khoản thanh toán với Nhà nước và NSNN được thực hiện theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng khoản dự phòng rủi ro để xử lý các khoản thanh toán với Nhà nước và NSNN, bao gồm: các khoản thanh toán với Nhà nước và NSNN đã hết thời hạn thanh toán hoặc không có thời hạn thanh toán và sau thời gian tối thiểu 5 năm chưa được hoàn trả hoặc chưa có biện pháp xử lý.

Nhằm đảm bảo việc thực hiện Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro tại NHNN rõ ràng và có căn cứ, NHNN đã sửa đổi Thông tư 39 theo hướng quy định cụ thể các nội dung “khác” về tài sản có rủi ro và các khoản tổn thất được sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Về các khoản phải thu, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung như sau: Các khoản phải thu có khả năng tổn thất, không thu hồi được trong quá trình hoạt động mà NHNN có đủ bằng chứng tin cậy xác định đối tượng phải thu là tổ chức đã phá sản, giải thể, cá nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận của bệnh viện) hoặc đã chết, hoặc khoản nợ đã yêu cầu thi hành án nhưng không thể thực hiện được do đối tượng nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú (có văn bản của cơ quan thi hành án hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi đối tượng thu nợ có hộ khẩu thường trú).

Liên quan đến các khoản tổn thất khác theo quyết định của Thống đốc NHNN, qua rà soát, NHNN chưa phát sinh các trường hợp tổn thất khác, do đó, hiện nay, không có cơ sở để cụ thể hóa quy định này. Vì vậy, NHNN đề xuất bỏ quy định này tại Dự thảo Thông tư.

Nếu tương lai phát sinh trường hợp tổn thất khác phù hợp với chế độ tài chính, NHNN tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định vào văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về trình tự xử lý khoản tổn thất đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán, hội đồng xử lý khoản tổn thất đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; bổ sung Đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan theo đề nghị của NHNN vào thành viên Hội đồng xử lý khoản tổn thất đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán.

Việc bổ sung này nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong xử lý các khoản tổn thất đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán cũng như sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất./.

THÀNH ĐỨC