Nâng cao chất lượng các trường nghề, đào tạo bồi dưỡng của Bộ Công Thương

Kinh tế - Ngày đăng : 16:15, 25/05/2021

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc trực tuyến với 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương trung ương.


Bộ Công Thương hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 01 Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặt tại 14 tỉnh, thành trên cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, từ năm 2018 đến nay, Bộ đã hoàn thành sáp nhập 06 trường Cao đẳng tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương thành 03 trường Cao đẳng, giảm 3 đầu mối; trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao 02 trường Cao đẳng ở Phú Thọ cho UBND tỉnh Phú Thọ quản lý.
                
   

Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc trực tuyến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo bồi dưỡng - Ảnh: BCT

   

Quy mô đào tạo của các trường cao đẳng chiếm khoảng 35% tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường thuộc Bộ. Trong đó, riêng 3 trường phía Nam có quy mô chiếm gần 40% tổng quy mô 22 trường cao đẳng.

Năm học 2020-2021, công tác tuyển sinh của 22 trường đạt khoảng 80% tổng kế hoạch, trong đó có 1/3 số trường đạt chỉ tiêu 100%. Các trường phía Nam thực hiện tuyển sinh thuận lợi, còn các trường khu vực phía Bắc tuyển sinh khó khăn nên đã phối hợp các trung tâm giáo dục thường xuyên để tuyển sinh trung cấp. Ngoài ra, các trường cũng tích cực đào tạo sơ cấp, ngắn hạn. Với Trường Đào tạo bồi dưỡng, mỗi năm thực hiện đào tạo khoảng 11-17 nghìn lượt cán bộ công chức viên chức.

Theo báo cáo, các trường đã đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Có 50 nghề trọng điểm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) lựa chọn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025. Mặc dù tỷ lệ học sinh, sinh viên cao đẳng xếp loại tốt nghiệp xuất sắc, giỏi trình độ còn thấp nhưng tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường rất cao, đạt gần 100%. Đó là kết quả của sự gắn kết giữa các trường với các doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Tại buổi làm việc trực tuyến, đại diện lãnh đạo các trường đã tập trung đề xuất Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư … để hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số trong đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy chế đào tạo từ xa, đào tạo liên thông… Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, mô hình đào tạo của các trường Cao đẳng thuộc Bộ cần xây dựng đồng bộ hơn, mang bản sắc riêng, phản ánh nét đặc trưng của hệ thống giáo dục, đào tạo Bộ Công Thương.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất phương hướng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo bồi dưỡng là kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỷ luật, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành công nghiệp, thương mại, công nghệ cao, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng thời, các trường chủ động trong thực hiện cơ chế tự chủ, tái cơ cấu và tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số trong đào tạo và quản lý. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các trường trong hệ thống đào tạo của Bộ. Tới đây, Hội đồng trường của các trường thuộc Bộ sẽ được thành lập và trao quyền quyết định nhiều hơn.

P.KHANG