Vốn ngân sách tạo lực đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:40, 25/05/2021

(BKTO) - Để đánh giá hiệu quả kinh tế khi Nghị định 57/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung với tên gọi mới được đề xuất là Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) dự kiến, dựa trên lựa chọn mẫu ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp 1.000 tỷ đồng/năm thì kết quả thu được là khả quan.


                
   

Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được khuyến khích - Ảnh minh họa: VGP

   

Đặc biệt ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang gấp rút xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2018/NĐ-CP (Nghị định 57). Quan điểm sửa đổi Nghị định này là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn; tập trung rà soát, sửa đổi các nội dung tại Nghị định 57 đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020…

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020, gồm: “Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học”. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề nông nghiệp đã được phê duyệt trong các Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, sửa đổi các nội dung tại Nghị định 57 nhằm kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp như: giá thịt lợn trong nước tiếp tục tăng cao bất thường; dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả.

Đặc biệt, việc sửa đổi Nghị định 57 còn để kịp thời đón nhận cơ hội đầu tư từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)…

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục kế thừa cơ chế hỗ trợ sau đầu tư của Nghị định 57, tập trung hỗ trợ vào các nội dung, hạng mục dễ quản lý, kiểm soát, đồng thời thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm định, quyết định hỗ trợ.

Nguồn vốn ngân sách là đòn bẩy quan trọng

Đề cập đến nguồn vốn thực hiện hỗ trợ, Dự thảo Nghị định của Bộ KH&ĐT nêu rõ nguồn vốn ngân sách nhà nước phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách theo từng thời kỳ và hàng năm, cũng như căn cứ vào năng lực của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp tại khu vực nông thôn.
                
   

Vốn ngân sách hỗ trợ tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển - Ảnh minh họa: vneconomy

   

Theo dự tính của Bộ KH&ĐT, nếu mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với mỗi dự án nông nghiệp hình thành là 10 tỷ đồng thì sẽ hình thành được 100 dự án/năm (chọn mẫu 1.000 tỷ đồng/năm). Theo mức hỗ trợ giai đoạn 2016-2020 thì mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tương đương với 6% tổng mức đầu tư dự án. Số liệu tổng hợp cho thấy, đăng ký nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 107.000 tỷ đồng và đề nghị hỗ trợ 8.600 tỷ đồng - tương đương khoảng 8%. Nếu dự kiến mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 10% thì sẽ thu hút được khoảng 9.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Với giả thiết mỗi dự án hình thành tương ứng với một doanh nghiệp có mức vốn khoảng 100 tỷ đồng, như vậy 100 doanh nghiệp nông nghiệp quy mô vừa được hình thành/năm sẽ tạo ra ít nhất 10.000 việc làm trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng ứng dụng khoa học công nghệ mới, khoa học quản lý vào sản xuất nông nghiệp từ doanh nghiệp chuyển giao; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định trong vùng dự án trên địa bàn.

Qua đó giúp tăng hiệu quả vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch nhanh hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Không những thế, các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của doanh nghiệp khi nhận được ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ được tăng cường công tác giám sát đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản, giết mổ gia súc gia cầm... được hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ cải thiện công nghệ, xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. “Khi nghị định được ban hành, cơ bản tác động tới môi trường rất ít, chủ yếu là các tác động tích cực, hướng tới các hoạt động bảo vệ môi trường” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
         
Nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn giúp hình thành các cơ sở chế biến nông sản vùng nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, hướng tới phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo khảo sát, nếu 01 hộ gia đình có 01 lao động tại doanh nghiệp với lương khoảng 5 triệu đồng/tháng thì cơ bản hộ đó thoát nghèo.
H.THOAN