Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách: Xóa bỏ xin cho, tăng cường phân cấp

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:50, 25/05/2021

(BKTO) - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - NSNN phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ quan liêu bao cấp, tư duy xin cho. Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng, tăng cường phân cấp.


                
   

Thiết kế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, công khai, minh bạch - Nguồn: Internet

   

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 119/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Bộ Tài chính.

Tăng cường phân cấp và hiện đại hóa quản lý thu, chi

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu thiết kế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết. Thiết kế chính sách phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động; đánh giá, dự báo những tác động, ảnh hưởng, chú ý lắng nghe ý kiến phản biện có tính xây dựng và tâm huyết; rà soát kỹ, tránh chồng chéo, vướng mắc; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện.

Tập trung vào công tác quản lý nhà nước; sắp xếp tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ tập trung hơn cho quản lý nhà nước; nhất là xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách và thực hiện kiểm tra, giám sát.

Tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách do Bộ Tài chính ban hành, tham mưu, đề xuất hoặc có liên quan đến Bộ Tài chính; đặc biệt là thể chế liên quan đến thu hút nguồn lực, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường phân cấp thu chi hơn nữa. Xây dựng cơ chế, chính sách về tài chính - NSNN phải trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực…

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính - NSNN; đổi mới cách làm để phù hợp thực tiễn, đề cao trách nhiệm của các địa phương, đơn vị, nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu. Chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng hướng, tăng cường phân cấp.

Tập trung đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý thu, chi ngân sách, nhất là quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn.

Không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng

Theo Thủ tướng, xây dựng cơ chế, chính sách tài chính - NSNN phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường và tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; dứt khoát xóa bỏ quan liêu bao cấp, tư duy xin cho. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong thu chi ngân sách.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư từ NSNN cho các công trình trọng điểm; phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu việc xây dựng Luật Đăng ký và quản lý tài sản.

Chuẩn bị nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2022 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác.

Bộ Tài chính cùng các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; tăng cường năng lực đánh giá, phân tích, dự báo; chủ động có kịch bản, phương án, giải pháp phù hợp, kịp thời đối với những vấn đề mới phát sinh./.
HỒNG NHUNG