Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán khi thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 19/06/2021

(BKTO)- Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm toán khi thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quyết định số 1663/QĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công văn số 524/KTNN-PC ngày 24/5/2021 gửi các đơn vị trực thuộc.


                
   

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được Quốc hội ban hành năm 2018 Ảnh: phapluatplus

   

Công văn nêu rõ, thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã làm việc với một số KTNN chuyên ngành, khu vực, đơn vị tham mưu, cho thấy tất cả các đơn vị đều báo cáo khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Quyết định số 1663/QĐ-TTg ngày 26/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoạt động kiểm toán được thông suốt và sử dụng hiệu quả thiết bị phần mềm dữ liệu của KTNN trong điều kiện dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Công văn số 524/KTNN-PC.

Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ đạo các đoàn kiểm toán thực hiện soạn thảo, lưu giữ trên các máy tính do KTNN trang bị; gửi, trao đổi trong Tổ, Đoàn kiểm toán và các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm trực tiếp quản lý, điều hành, kiểm soát thuộc nội bộ KTNN trên hệ thống phần mềm của KTNN và phải thực hiện bảo mật dữ liệu theo quy định của Ngành đối với Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán; Biên bản kiểm tra, đối chiếu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của kiểm toán viên.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước lưu ý, quy định này không áp dụng đối với những tài liệu có sử dụng tài liệu mật của đơn vị được kiểm toán; các cuộc kiểm toán thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cuộc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; các cuộc kiểm toán do KTNN chuyên ngành Ia, Ib thực hiện.

Đồng thời, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, các tài liệu khác trong danh mục bí mật nhà nước tại Quyết định số 1663/QĐ-TTg thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định có liên quan.

“Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Thủ trưởng các đơn vị báo cáo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước phụ trách xem xét, giải quyết” - Công văn của Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
         
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước gồm:
   - Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.
   - Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật.
   - Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật.
   - Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
   - Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
   - Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.
   - Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước.
   - Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép.
   - Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông. /.

H.THOAN
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.