Trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội với cử tri là như nhau

Đối nội - Ngày đăng : 14:30, 27/05/2021

(BKTO) - Đây là khẳng định của TS. Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội được chia sẻ tại Tọa đàm "Ngày hội toàn dân - Bầu cử an toàn, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật" do Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Vụ Thông tin (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây.


                
   

TS. Hoàng Minh Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân

   

Chia sẻ về vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với những đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, TS. Hoàng Minh Hiếu khẳng định: Trách nhiệm đại diện trước cử tri của những người đại biểu hoạt động chuyên trách và những người đại biểu hoạt động kiêm nhiệm là như nhau. Điều này đã được thể hiện rõ trong quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm tiếp xúc cử tri, báo cáo trước cử tri và chịu sự giám sát của cử tri. Tham gia hoạt động của Quốc hội, họ cũng có quyền như nhau trong thảo luận, quyết định các vấn đề của Quốc hội.

Sự khác nhau cơ bản nhất theo Luật Tổ chức Quốc hội quy định là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ phải dành 100% làm việc trong Quốc hội, họ thường làm việc tại các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Còn đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm phải dành ít nhất 30% thời gian để tham gia các hoạt động của Quốc hội, ngoài ra họ thường xuyên tham gia các hoạt động nghề nghiệp của mình như cán bộ công chức, giáo sư hoặc các nghề nghiệp khác...
                
   

Tất cả đại biểu Quốc hội đều phải có trách nhiệm với cử tri, với sự tin tưởng của cử tri.

   

Về thực tế hoạt động, cũng do dành 100% thời gian cho hoạt động của Quốc hội cho nên các đại biểu Quốc hội chuyên trách có nhiều đóng góp, tham gia nhiều hoạt động hơn của Quốc hội. Cũng vì vậy, họ có kỹ năng tham gia hoạt động nghị trường nhuần nhuyễn hơn.

Một điểm quan trọng nữa, đó làdo không chịu sự ràng buộc về ngành nghề, địa phương nên các phát biểu của đại biểu hoạt động chuyên trách thường trực diện hơn đối với các vấn đề mà Quốc hội đang xem xét. Tuy nhiên, đại biểu kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách thì họ cũng có những ưu thế của mình. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về những ngành nghề, các địa phương mà họ đang công tác. Vì vậy, đóng góp của họ cũng có những giá trị nhất định trong tham gia các hoạt động Quốc hội.

Từ thực tế đó, một điểm mới trong kỳ bầu cử hiện nay là chúng ta cố gắng bầu đủ 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, với mục tiêu dần hướng tới Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp và nâng cao năng lực hoạt động của Quốc hội.

NGUYỄN LỘC