Xuất khẩu nông sản gặp khó vì thiếu kho lạnh bảo quản

Đầu tư - Ngày đăng : 16:50, 27/05/2021

(BKTO) - Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã tác động sâu sắc đến vấn đề tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Đặc biệt, hàng tồn kho tăng cao khiến cho nhu cầu kho lạnh để phục vụ việc bảo quản chế biến thực phẩm trở nên cấp thiết.


                
   

Nhu cầu kho lạnh bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu đang rất cao - Ảnh: congthuong.vn

   

Doanh nghiệp lao đao vì thiếu kho lạnh

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).

Bộ NN&PTNT nhận định, với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hàng khó khăn, việc thiếu kho lạnh khiến DN chịu nhiều áp lực khi chi phí lưu kho tăng, hàng hóa ứ đọng không có nơi bảo quản, gây thiệt hại không nhỏ DN.

Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho biết, các DN xuất khẩu đang rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn khi phải chịu giá cước phí container tăng chóng mặt và chi phí lưu kho lạnh cũng đang ở mức cao ngất ngưỡng. Hiện hệ thống kho lạnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang trong tình trạng hết chỗ chứa. Nhiều lô hàng chưa xuất được nên phải để tồn kho song giá lưu kho lạnh đang tăng từ 20-25% so với đầu năm ngoái, với khoảng 1,2-2 triệu đồng/tấn/ngày.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cũng chỉ ra, gần đây khi đại dịch vẫn còn căng thẳng ở các quốc gia trên thế giới đã khiến việc luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là giá cước thuê container chở hàng đã liên tục tăng phi mã gấp 7-8 lần so với hồi đầu giữa năm 2020. Việc xuất khẩu bị chậm lại đã khiến cho hàng nông sản, trái cây tươi bị hư hỏng bởi thiếu kho lạnh.

Không riêng rau quả, với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho hay, trong ngành thủy sản, công suất kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, lưu trữ hàng hóa của DN.

“Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để DN thu mua hết nguyên liệu tôm, cá của nông dân sản xuất ra mà còn giúp DN dự trữ được nguồn hàng lớn, kịp thời đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng” - ông Hòe nhận định.

Cần chính sách ưu đãi để khuyến khích DN đầu tư kho lạnh

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cách đây 2 năm, hệ thống kho lạnh dịch vụ ở trong nước đang có tỷ lệ khai thác rất cao ở mức 90%. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng kho lạnh ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, do thị trường kho lạnh Việt Nam còn khá phân mảnh, những nhà cung cấp dịch vụ kho lạnh chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ của thị trường, cũng như chưa tích hợp nhiều dịch vụ trong kho lạnh.

Mặt khác, nguồn cung kho lạnh hiện chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, nguồn cung bị hạn chế một phần là do các cơ sở kho lạnh cần nhiều thời gian xây dựng; việc xây dựng các kho bảo quản lạnh phức tạp và tốn kém hơn so với các kho tiêu chuẩn.

Theo ông Trương Đình Hòe, các DN vẫn sẽ chủ động đầu tư vào hệ thống kho lạnh tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để sớm tăng công suất kho chứa lạnh, nhà nước nên có các chính sách ưu đãi để khuyến khích DN tham gia.

VASEP cũng đã kiến nghị nhà nước sớm có những hỗ trợ đối với DN đầu tư lĩnh vực này, như: hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có sức chứa tối thiểu 5.000 pallet (khoảng 5.000 tấn). Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu kể từ khi kho lạnh đi vào vận hành.

Để đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư vào hệ thống kho lạnh; trong đó, có chính sách hỗ trợ về thuế, và giảm lãi suất vay.

“Các gói tín dụng hiện nay tuy có lãi suất thấp nhưng cần đảm bảo mọi DN tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp… để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm” - lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.
LÊ HÒA