Việt Nam và Đan Mạch hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:40, 28/05/2021

(BKTO) - Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, Công ty cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn vừa ký kết hai hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc (CPIM), để phát triển điện gió ngoài khơi.


                
   

Việt Namvà Đan Mạch hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa). Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch

   

Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, Công ty cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn là đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc sở hữu của Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia.

Hai hợp đồng được ký kết bao gồm: Hợp đồng Khảo sát địa vật lý La Gàn và Hợp đồng Nghiên cứu địa chất La Gàn. Theo đó, CPIM sẽ hợp tác với nhà thầu phụ của Đan Mạch là Cục Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) trực thuộc Bộ Năng lượng - Hạ tầng và Khí hậu Đan Mạch để thực hiện 2 hợp đồng này.

Chia sẻ về việc hợp tác trên, bà MayaMalik - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn cho biết, trong hai năm qua, Dự án Điện gió La Gàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Đan Mạch trong quá trình phát triển dự án.

Theo một nghiên cứu tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế thuộc BVG Associates (đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án sẽ đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Dự án cũng dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian cho các lao động trong nước tại Việt Nam. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm phát thải 130 triệu khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.

Với công suất tiềm năng là 3.500 MW, Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án được kỳ vọng giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết một hiệp định hợp tác dài hạn với mục đích thúc đấy quá trình chuyển đổi tại Việt Nam sang nền kinh tế các-bon thấp. Việc thực hiện hiệp định này do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch quản lý.

Theo đó, cơ quan Năng lượng Đan Mạch hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam, thông qua Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Chương trình bao gồm các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và xây dựng mô hình kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng. Chương trình hiện đang bước vào giai đoạn thứ ba (DEPP III) (2021-2025).

Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, chương trình cũng sẽ bao gồm hợp phần điện gió ngoài khơi và một hợp phần tập trung vào xây dựng các chính sách khuyến khích kinh tế, để cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam./.

THIỆN TRẦN