Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định Thương mại tự do tăng mạnh

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:44, 28/05/2021

(BKTO) - Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều quốc gia mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều tăng mạnh, tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu trong thời gian tới.


                
   

Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh vào các thị trường đã có FTA - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Xuất khẩu tăng mạnh vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA

Đánh giá trên được đưa ra sau khi kim ngạch xuất khẩu vào các nước có FTA với Việt Nam như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đều tăng mạnh trong quý I/2021.

Có thể thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, nhờ đó kết quả xuất siêu trong quý đầu năm 2021 với thị trường EU là 5,66 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ, xúc tiến thương mại của Chính phủ và các cơ quan liên quan của Việt Nam với thị trường EU đã giúp cho thị trường khó tính này trở thành thị trướng xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
         
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 14,67% trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 9,65 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,31% tổng xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Hà Lan và Đức là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khối thị trường này với tổng kim ngạch quý 1/2021 đạt trên 1,6 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỷ trọng 20,63%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 14,92%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 11,08%; giày dép các loại chiếm 11,08%...
                
   

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn - Ảnh minh họa: Vietnamnet

   

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong CPTPP cũng tăng 6,22% trong quý 1 năm 2021, đạt 10,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 13,41% tổng xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường trong khối đạt mức tăng trưởng cao là Canada tăng 15,48%; Australia tăng 12,93%; Mexico tăng 16,69%; Singapore tăng 20,55%; Chile tăng 25,6%; New Zealand tăng 43,41% và Peru tăng 34,8%.

Sau 2 năm chính thức có hiệu lực với Việt Nam (từ ngày 14/1/2019), Hiệp định CPTPP được đánh giá đã tác động tích cực tới xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.

Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 14,74% trong quý đầu năm nay, đạt gần 1,47 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,87% tổng xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch song phương giữa hai nước có sự bứt phá ngoạn mục vào tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Với những cam kết cắt giảm thuế suất lên đến 99% theo lộ trình cùng tính chất tiếp nối, Hiệp định UKVFTA hứa hẹn duy trì đà tăng trưởng thương mại bứt phá giữa Việt Nam và Anh quốc trong những năm tiếp theo.

Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào các nước đã ký kết FTA vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Gần đây, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm.

Chẳng hạn, đối với thị trường Australia, sản phẩm tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Australia phải được kiểm tra, phân hạng tại cơ sở chế biến được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận và kiểm soát; không có các dấu hiệu mắc bệnh; mỗi lô tôm sản xuất (sau chế biến) được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với virus đốm trắng, đầu vàng...

Bộ Công Thương xác định, trong các tháng tiếp theo, giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sẽ là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu...

PHÚC KHANG