Thêm động lực cho hành trình số hóa ngân hàng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:50, 31/05/2021

(BKTO) - Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang nỗ lực trong hành trình chuyển đổi số. Thêm động lực cho hành trình ấy khi mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành với nhiều mục tiêu đáng lưu ý.


                
   

95% các TCCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số
   Ảnh: Internet

   

Thanh toán điện tử “bùng nổ” nhờ số hóa dịch vụ ngân hàng

Số liệu khảo sát của NHNN cho biết, đến nay, 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hầu hết các TCTD đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một vài ngân hàng số hóa hoàn toàn như: gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền... Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng, giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút thời gian giải ngân, cho vay.

Thời gian qua, NHNN cũng đã chủ động nghiên cứu và ban hành kịp thời các quy định nhằm tạo điều kiện cho hoạt động chuyển đổi số như: hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trung gian thanh toán, mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip...) tăng cường chuẩn hóa.

Với việc triển khai các giải pháp từ phía cơ quan quản lý và các TCTD, số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với 2019 là 114% về số lượng và 118% về giá trị, thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch. Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) xử lý 5-7 triệu giao dịch thanh toán liên ngân hàng mỗi ngày; năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch lần lượt tăng 78% và 128 % so với năm 2019…

Quý I/2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng, tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với quý I/2020. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 103,26% và 147,65%.

Cũng trong quý I/2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hoạt động TTKDTM tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao. Cụ thể, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và 103%; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% và 46%.

Đột phá trong lĩnh vực thanh toán sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn nữa khi số lượng công ty Fintech tiếp tục gia tăng. Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á, lĩnh vực Fintech đã có sự phát triển nhanh chóng từ 40 công ty năm 2016 lên đến hơn 200 công ty vào năm 2020. Sự bắt tay giữa các công ty này và ngân hàng sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phổ cập tài chính toàn dân.

Tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn

Để hành trình chuyển đổi số của ngân hàng tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn, mới đây, NHNN đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu sau:

Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%, số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030.

Tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 70%.
         
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, để thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, NHNN kiến nghị Chính phủ:
   Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, DN qua kênh số, phương thức điện tử.
   Ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.
   Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đặt ra 9 nhóm giải pháp. Trong đó, một số giải pháp có tính quyết định như: Rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, ưu tiên vào một số vấn đề TTKDTM, cho vay bằng phương thức điện tử, việc thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, giao dịch điện tử… Cùng với đó, triển khai mở rộng hạ tầng kết nối, cung cấp thông tin; hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại TCTD…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, việc ban hành Kế hoạch trên là để NHNN cụ thể hóa và triển khai các nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành trong xu thế chuyển đổi số, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của toàn ngành, NHNN đã tiến thêm một bước trong tiến trình hiện thực hóa những mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.

THÀNH ĐỨC