Giải quyết tình trạng dự án “treo”, tránh gây lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế

Đầu tư - Ngày đăng : 10:51, 31/05/2021

(BKTO) - Thời gian qua, nhiều địa phương vẫn tồn tại rất nhiều dự án “treo” chậm triển khai, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, lãng phí nguồn lực phát triển kinh tế của địa phương. Đáng nói, tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai tại các dự án kéo dài nhiều năm mà chưa được giải quyết dứt điểm.


Nhiều dự án ôm đất “vàng” bỏ hoang

Tình trạng dự án “treo”, trong khi nhiều nơi, đặc biệt là các đô thị, khu công nghiệp thiếu quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân, lao động có thu nhập thấp là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Xây dựng chỉ ra, qua báo cáo tình hình xây dựng, bất động sản (BĐS) những tháng đầu năm nay.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương giáp ranh thành phố Hà Nội, hiện có tới vài chục dự án 'treo', chậm tiến độ, tiêu biểu như: Dự án khu đô thị mới chùa Hà Tiên, dự án khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc, khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu...

Là một trong những địa phương thu hút số lượng lớn dự án đầu tư xây dựng, song Hà Nội cũng tồn tại nhiều dự án chưa được triển khai kéo dài. Điển hình như tại huyện Mê Linh. Toàn huyện hiện có 60 dự án chậm triển khai; trong đó có 47 dự án đô thị và 13 dự án khác được giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích khoảng 2.140 ha. Đến thời điểm tháng 3/2021, trong số 36 dự án đã được giao đất thì mới có 20 dự án hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất vào NSNN với tổng số 1.255,9 tỷ đồng. Tất cả 60 dự án đều đã hết hạn đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.Nhiều dự án “treo” kéo dài như: Dự án Khu đô thị An Thịnh; Khu đô thị mới CEO Mê Linh; Khu đô thị Vinalines; Khu nhà ở Minh Đức… đang trong tình trạng hoang hóa.

Tương tự, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) - một trong những địa phương “nóng” về BĐS, nhiều dự án cũng chưa được triển khai hiệu quả. Đơn cử, Dự án khu đô thị thành phố thông minh Đông Anh tọa lạc ngay chân cầu Nhật Tân, hưởng lợi thế từ quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài. Dù đã được giới thiệu đến khách hàng từ rất lâu nhưng đến tháng 10/2019 dự án mới được khởi công. Song từ đó đến nay, tiến độ dự án vẫn giậm chân tại chỗ, các hạng mục xây dựng vẫn chưa được triển khai đáng kể, dù quỹ đất của dự án đa phần là đất nông nghiệp, không có nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Không chỉ xảy ra ở ngoại thành, mà ngay tại khu vực nội thành Hà Nội, nhiều dự án cũng “ôm” đất vàng, bỏ hoang từ nhiều năm nay. Điển hình như Dự án Diamond Rice Flower tọa lạc tại khu đất “vàng” trên đường Phạm Hùng, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Từ năm 2010, dự án được giao đất để triển khai. Tuy nhiên, sau nhiều lần trễ hẹn và chuyển nhượng qua các chủ đầu tư khác nhau, đến nay, dự án vẫn là một bãi đất trống.
                
   

Dự án Diamond Rice Flower "ôm" đất “vàng” nội đô và bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: N.LỘC

   

Đây chỉ một số dự án “treo” điển hình, khi “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên trong nhiều năm qua.

Cần mạnh tay chấn chỉnh vi phạm

Các dự án vi phạm Luật Đất đai, để đất hoang đã để lại nhiều hệ lụy, làm cho hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất thấp và không tham gia đóng góp cho tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội ở các nơi có dự án. Mặc dù đã được các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, song đến nay, tình trạng dự án “treo” vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai, các dự án bỏ hoang đều có điểm chung là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính, khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Dựa vào những lí do này, chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục tiếp theo khiến cơ quan chức năng khó xử lý. Nhưng cũng có dự án chủ đầu tư năng lực còn yếu kém...
         
Điều 64. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
   i) Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

                
   

Dự án khu đô thị thành phố thông minh Đông Anh của Tập đoàn BRG nằm trên trục đường Nhật Tân-Nội Bài chậm trễ trong triển khai. Ảnh: N.LỘC

   

Từng nhiều năm tham gia triển khai dự án, đại diện một DN xây dựng BĐS cho biết, để được địa phương chấp thuận cho đầu tư, DN phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, trong đó phải đảm bảo năng lực của nhà đầu tư, song trên thực tế vẫn có những chủ đầu tư năng lực yếu kém, song lợi dụng quan hệ hay chính sách để "ôm" đất, chờ chuyển nhượng lại kiếm lời. “Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư trây ỳ để tạo sự lành mạnh cho thị trường BĐS” – đại diện DN này cho biết.

Nhằm tăng cường giám sát, chấn chỉnh tình trạng dự án “treo” kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất, tháng 3/2021, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã thực hiện tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh và một số địa bàn “nóng” về dự án “treo”. Theo đó, với những dự án chậm trễ kéo dài, trong đó xác định được nguyên nhân là do chủ đầu tư năng lực yếu kém, HĐND Thành phố sẽ kiên quyết đề nghị Thành phố thu hồi đất do vi phạm quy định của Luật Đất đai.
                
   

Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội thực hiện tái giám sát tại huyện Mê Linh vào tháng 3/2021. Ảnh: Melinh.gov.vn

   

Từng tồn tại số lượng lớn dự án “treo", đến nay, tình trạng này tại tỉnh Hưng Yên đã từng bước được chấn chỉnh. Một bài học được địa phương này rút ra, đó là để triển khai các Dự án mới đạt hiệu quả, tránh tình trạng đất đai lãng phí, tỉnh yêu cầu việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tiếp nhận dự án đầu tư có sử dụng đất đều phải theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lương Anh Tuấn, ngay cả kế hoạch sử dụng đất hàng năm cũng phải căn cứ trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của cả giai đoạn. Quy hoạch sử dụng đất được lập và phê duyệt theo hướng từ trên xuống, cấp trên phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho cấp dưới trong quá trình lập quy hoạch.

Còn theo Luật sư Lê Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), để nâng cao hiệu quả của dự án BĐS từ nguồn vốn ngoài ngân sách, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Tiếp đó, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu chậm triển khai thì áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

NGUYỄN LỘC