Lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng: Vẫn còn chậm trễ

Đầu tư - Ngày đăng : 10:05, 24/07/2017

(BKTO) - Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các nhà đầu tư phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 30/6. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm trễ.


Chủ trương quyết liệt nhưng thực hiện chưa nghiêm

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ ETC trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Dự án này được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2016-2019 sẽ áp dụng dịch vụ ETC trên 1-2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng tại tất cả các làn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỷ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên, Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan phải hoàn thành cam kết, ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư các dự án BOT. Gần đây nhất, Bộ GTVT đã yêu cầu tất cả 28 nhà đầu tư phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ ETC vào ngày 30/4 và ngày 30/6 phải vận hành thử nghiệm các trạm thu phí.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC Vũ Quang Lâm (nhà cung cấp dịch vụ ETC) cho biết: Trong quá trình tiếp xúc và đàm phán, bên cạnh những nhà đầu tư BOT có thiện chí hợp tác, một số nhà đầu tư lại đưa ra các lý do khác nhau nhằm trì hoãn quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng.

Còn tại cuộc họp về tiến độ lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên diễn ra mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - PPP (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết, tính đến tháng 7, mới hoàn thành lắp đặt 13 dịch vụ ETC tại trạm và vận hành chạy thương mại 8 trạm thu phí. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Vụ đã mời tất cả các nhà đầu tư BOT và ETC họp đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí. Trong quá trình đàm phán, tất cả các nhà đầu tư BOT đều khẳng định ủng hộ chủ trương áp dụng dịch vụ ETC. Thế nhưng, đến nay, nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng dịch vụ này. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư BOT chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặthệ thống ETC

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, thực trạng trên xuất phát từ tư duy chưa muốn minh bạch của nhà đầu tư BOT. “Hiện tại, số liệu doanh thu thu phí của các trạm BOT vẫn chưa phải là chuẩn 100%, nếu tiến hành giám sát đột xuất là vẫn có vấn đề” - ông Huyện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các nhà đầu tư chưa ký hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng là do e ngại về tính minh bạch trong thu phí. Nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai lắp đặt hệ thống ETC sẽ tiếp tục bị chậm trễ. Hơn nữa, thời gian mà Bộ GTVT dành cho các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC đủ để cho các bên nghiên cứu đàm phán và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng không thực hiện được theo kế hoạch đã đặt ra là do nhiều nhà đầu tư BOT còn băn khoăn về tỷ lệ tính phí của nhà cung cấp dịch vụ. Một số nhà đầu tư cho rằng cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ để nhà đầu tư BOT có sự lựa chọn, chứ không thể ép chủ đầu tư ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp.

Trước phản ánh của nhà đầu tư, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị nhà cung cấp dịch vụ ETC phải có sự thay đổi để sẵn sàng cạnh tranh với ít nhất từ 2 đến 3 nhà cung cấp dịch vụ. Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ việc cạnh tranh minh bạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ ETC. Bộ sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn chung và chỉ đánh giá năng lực của các nhà cung cấp, còn việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ do nhà đầu tư BOT quyết định. Vụ PPP, Tổng cục Đường bộ cần sớm có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC phải thúc đẩy, ký kết hoàn thiện hợp đồng lắp đặt công nghệ thu phí ETC trước 15/7 và triển khai hệ thống từ 15/8 tới.

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống ETC, ông Nguyễn Viết Huy kiến nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cần yêu cầu các nhà đầu tư phải nhanh chóng ký hoàn thành hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC để đơn vị này tiến hành lắp đặt, triển khai sớm và giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện bảo đảm tiến độ.

LÊ HÒA
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017