Phát triển vật liệu xây dựng không nung để bảo vệ môi trường
Xã hội - Ngày đăng : 13:05, 24/07/2017
(BKTO) - Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) là một trong những bước cần thiết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Sau 6 năm triển khai, bên cạnh những thành công nhất định, việc thực hiện chương trình phát triển VLXDKN vẫn còn nhiều trở ngại.
Yêu cầu cấp thiết
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết: Thị trường bất động sản phát triển dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng ở nước ta tăng nhanh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng (30-33 tỷ viên quy tiêu chuẩn) sẽ làm tiêu tốn khoảng 50 triệu m3 đất sét, tương đương 2.200 - 2.500 hecta đất nông nghiệp. Điều này còn làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn khoảng 5 triệu tấn than, thải ra khoảng 15 triệu tấn khí CO2, tác động xấu đến môi trường sống. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển loại vật liệu xây dựng mới thay thế gạch đất sét nung bằng VLXDKN là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành Xây dựng.
"Chương trình phát triển VLXDKN đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đạt 30 - 40% vào năm 2020; hằng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất VLXDKN, tiết kiệm được khoảng 1.000 hecta đất nông nghiệp và hàng trăm hecta diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo Bộ Xây dựng, sau 6 năm triển khai Chương trình, đến năm 2015, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm VLXDKN chính (gạch block ximăng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt) đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; sản xuất đạt 5,8 tỷ viên, chiếm khoảng 25% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2015. Năm 2016, tiêu thụ tổng các loại khoảng trên 5,5 tỷ viên quy tiêu chuẩn, góp phần tiết kiệm khoảng 1.000 hecta đất nông nghiệp.
Cần nhiều cơ chế ưu đãi
Dù VLXDKN có nhiều điểm mạnh hơn so với vật liệu truyền thống như: bảo vệ môi trường, thi công nhanh, cách âm, cách nhiệt, chống cháy… nhưng trên thực tế, việc đưa loại vật liệu thân thiện với môi trường thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều trở ngại. Cụ thể là, chính sách ưu đãi vẫn ở tầm vĩ mô, nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác quá dễ dàng, gần như không phải trả tiền nên giá thành của sản phẩm gạch nung rẻ, khiến VLXDKN khó cạnh tranh... Thực tế thị trường cho thấy, chỉ một số loại gạch block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch block đặc và đặc biệt là gạch nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung…
Nhận định về vấn đề này, bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - nhận định, việc thiếu các tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng gạch không nung và chất lượng gạch của một số nhà máy không tốt đã dẫn đến sự thiếu tin cậy của người sử dụng. Chính vì vậy, để gạch không nung thực sự đi vào cuộc sống, cần tiếp tục hoàn thiện và xây dựng các tiêu chuẩn đồng bộ, hướng dẫn sử dụng gạch không nung, bao gồm các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử nghiệm… Đồng thời, công tác đào tạo, đào tạo lại và chia sẻ kinh nghiệm cũng rất quan trọng để hỗ trợ tất cả các tỉnh áp dụng các chính sách và hướng dẫn này một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu của Chương trình phát triển VLXDKN, Nhà nước cần chung tay với DN giải quyết bài toán về vốn, lãi vay; điều chỉnh tăng mức thuế suất Thuế Tài nguyên đối với đất sét dùng để sản xuất gạch ngói, nhằm tạo cân bằng giữa giá thành VLXDKN và gạch đất sét nung; thực hiện nghiêm túc việc sử dụng VLXDKN trong các công trình vốn nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
HOÀNG LONG
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017