Nâng tầm quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách và KTNN
Đối nội - Ngày đăng : 14:05, 24/07/2017
(BKTO) - Ngày 19/7, tại trụ sở KTNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã có buổi làm việc với KTNN nhằm lấy ý kiến tham gia về một số nội dung của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và đánh giá công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong thời gian vừa qua.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: NGỌC BÍCH
Tại buổi làm việc, đánh giá về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa KTNN với Ủy ban TCNS của Quốc hội trong thời gian qua, báo cáo của 2 cơ quan đều khẳng định, trong những năm qua công tác phối hợp giữa 2 cơ quan ngày càng chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Ủy ban TCNS và KTNN đã tạo điều kiện cho nhau thực hiện trên tinh thần chủ động phối hợp, cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục, chương trình, kế hoạch làm việc được quy định tại Quy chế phối hợp, góp phần nâng cao hiệu quả và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan” - Báo cáo của Ủy ban TCNS nêu rõ.
Kết quả phối hợp được thể hiện rõ nét trong việc: phối hợp chuẩn bị nội dung Kế hoạch kiểm toán hằng năm; thẩm tra dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Quốc hội; phối hợp sửa Luật KTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN, các văn bản liên quan đến tổ chức, hoạt động của KTNN. Bên cạnh đó, 2 cơ quan còn phối hợp tốt trong việc tổ chức công khai Kế hoạch kiểm toán, kết quả kiểm toán hằng năm; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết và ý kiến của UBTVQH về lĩnh vực tài chính - ngân sách…
Bên cạnh những kết quả đạt được, 2 cơ quan cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đa số đại biểu tán thành và đánh giá cao kết quả phối hợp công tác giữa Ủy ban TCNS và KTNN trong thời gian vừa qua. Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới 2 cơ quan cần nâng tầm quan hệ phối hợp theo hướng chủ động hơn, chặt chẽ hơn. Theo đó, trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm, Uỷ ban TCNS cần chủ động “đặt hàng” KTNN về những vấn đề cần kiểm toán để phục vụ cho công tác thẩm tra các dự án luật; phục vụ cho công tác khảo sát, giám sát việc chấp hành ngân sách, quyết toán NSNN... Ngược lại, qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng cần chủ động kiến nghị với Ủy ban TCNS những vấn đề nổi cộm trong quản lý tài chính - ngân sách. Bên cạnh đó 2 cơ quan cần tăng cường hỗ trợ lẫn nhau về thông tin, nghiệp vụ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đại biểu cũng cho rằng, việc phối hợp giữa Ủy ban TCNS và KTNN được thực hiện trên cơ sở Quy chế phối hợp công tác đã ký từ năm 2009. Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung phối hợp đã được điều chỉnh như Luật KTNN, Luật NSNN… Vì vậy, 2 cơ quan cần rà soát lại, sửa đổi và ban hành Quy chế phối hợp mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cũng tại buổi làm việc, KTNN đã có báo cáo và đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN đã tham gia ý kiến vào một số nội dung của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề liên quan đến: nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán nợ công; về phạm vi điều chỉnh của Luật; về tổ chức quản lý nợ công và quy định về Quỹ Tích lũy trả nợ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua quan hệ phối hợp giữa 2 cơ quan rất tốt song phải hướng đến hiệu quả hơn. Do vậy, trong thời gian tới cần sửa đổi, ký lại Quy chế phối hợp. Hai cơ quan cũng cần tăng cường các cuộc làm việc chuyên đề; tích cực hỗ trợ lẫn nhau về thông tin, công việc một cách chủ động hơn, đặc biệt là phối hợp trong giám sát giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm; phối hợp trong tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức hoạt động của KTNN như ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; ủng hộ KTNN trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn thi hành Luật KTNN 2015; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong xây dựng Kế hoạch kiểm toán…
Liên quan đến Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, ngoài những ý kiến đã tham gia, KTNN sẽ có đóng góp sâu hơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật, với mong muốn nợ công cần được quản lý chặt chẽ, bao quát và hiệu quả nhất.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trong thời gian tới Ủy ban TCNS và KTNN sẽ ký lại Quy chế phối hợp công tác; đồng thời tăng cường các buổi làm việc định kỳ, trao đổi công việc giữa 2 cơ quan. Bên cạnh đó, 2 cơ quan cần xây dựng cụ thể chương trình phối hợp làm việc hằng năm.
Đánh giá cao những đóng góp của KTNN cho hoạt động của Ủy ban TCNS, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của KTNN trong triển khai nhiệm vụ, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS đề nghị, trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao vai trò của 2 cơ quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; trong thẩm tra, giám sát và nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật liên quan đến tài chính - ngân sách; nâng tầm trao đổi thông tin trong lập kế hoạch tài chính cũng như tăng cường trao đổi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
N. HỒNG
Theo tuần Báo ra ngày 20-7-2017